Tổ hợp S-400 triển khai diễn tập bắn đạn thật
Thổ Nhĩ Kỳ mới đây thúc đẩy Nga bàn giao các tổ hợp phòng không S-400 Triumf vào năm 2020, bất chấp lời đe dọa cấm vận từ Mỹ và những rạn nứt nghiêm trọng trong khối NATO mà loại vũ khí này gây ra. Giới phân tích cho rằng Ankara quyết tâm theo đuổi hợp đồng mua S-400 trị giá 2,5 tỷ USD bởi không quân nước này đã suy yếu nghiêm trọng sau cuộc đảo chính quân sự hồi năm 2016, theo National Interest.
Sau cuộc đảo chính quân sự bất thành năm 2016, hàng loạt sĩ quan quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị trừng phạt vì tham gia vào âm mưu lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, trong đó hơn 300 phi công tiêm kích F-16. Điều này khiến Ankara gần như mất hoàn toàn khả năng vận hành dòng tiêm kích hiện đại này, trong khi phi đội 49 chiếc F-4 Phantom II không đủ sức cùng lúc quản lý không phận rộng lớn và tham gia yểm trợ chiến dịch "Cành Oliu" tại Syria.
"Sau cuộc đảo chính vào tháng 7/2016, số lượng phi công tiêm kích F-16 bị giảm mạnh, buộc Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường hệ thống phòng không để bù đắp. Đây là nguyên nhân khiến nước này mua tổ hợp S-400 của Nga bằng mọi giá, bất chấp đe dọa từ Mỹ", chuyên gia phân tích Verda Ozer nhận định.
Phi đội F-16 Thổ Nhĩ Kỳ có vai trò rất quan trọng trong việc quản lý không phận. Việc một loạt phi công F-16 bị sa thải và trừng phạt khi không có đội ngũ thay thế gây nên lỗ hổng không nhỏ trong mạng lưới phòng không của Ankara.
Chiến dịch thanh trừng hậu đảo chính của ông Erdogan cũng vấp phải phản ứng quyết liệt từ Mỹ, trong đó có việc từ chối cử chuyên gia tới huấn luyện phi công tại Thổ Nhĩ Kỳ, khiến nỗ lực đào tạo phi công F-16 càng gặp nhiều khó khăn hơn.
Trong bối cảnh đó, Ankara sẽ buộc phải sử dụng các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa để tăng cường khả năng phòng thủ vùng trời, ít nhất là cho tới khi lực lượng phi công tiêm kích được hồi phục. Quá trình này cũng phải kéo dài ít nhất hai năm và tiêu tốn số tiền không nhỏ.
Thổ Nhĩ Kỳ từng tìm kiếm phương án tăng tự chủ trong ngành công nghiệp quốc phòng, giảm sự phụ thuộc vào NATO khi đặt mua tổ hợp phòng không tầm xa FD-2000 của Trung Quốc để sở hữu dây chuyền sản xuất, nhưng thương vụ này bị hủy bỏ và nhường chỗ cho hợp đồng S-400. Hợp đồng với Moscow có điều khoản cho phép Ankara sở hữu công nghệ chế tạo tên lửa, điều mà nước này đang rất cần.
"Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng đã quá thất vọng với Mỹ và các nước châu Âu", chuyên gia Konstantin Makienko thuộc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Nga (CAST) nhận định.
Tuy nhiên, S-400 không thể giải quyết hoàn toàn vấn đề phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ. Hệ thống này không thể tích hợp vào cấu trúc phòng thủ chung của NATO, nguyên nhân chính gây rạn nứt giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và các thành viên khác trong khối. Bên cạnh đó, S-400 được quảng bá là có thể chống tên lửa đạn đạo, nhưng tính năng này chưa thực sự được kiểm chứng.
Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng sẽ không được Nga chuyển giao toàn bộ công nghệ chế tạo S-400, bởi Moscow vẫn nắm giữ những kỹ thuật quan trọng nhất để đảm bảo bí mật.
Điều đó khiến S-400 chỉ là giải pháp tình thế cho lá chắn phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như hỗ trợ chương trình phát triển tên lửa phòng không nội địa của nước này. Tuy vậy, giải pháp này vẫn đủ để Ankara thực hiện hợp đồng bằng mọi giá, bất chấp sự phản đối và đe dọa từ các đồng minh phương Tây.
Duy Sơn