Trợ lý Tổng thống Nga về hợp tác quân sự Vladimir Kozhin hôm 12/3 cho biết Thổ Nhĩ Kỳ có thể nhận bàn giao các tổ hợp phòng không S-400 Triumf vào năm 2020 theo yêu cầu của Ankara. Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm thực hiện hợp đồng trị giá 2,5 tỷ USD này bất chấp lời đe dọa từ Mỹ và những rạn nứt nghiêm trọng trong khối NATO mà nó gây ra, theo Newsweek.
Với hợp đồng này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là thành viên thứ hai trong khối NATO trang bị tên lửa phòng không tầm xa do Nga phát triển, trong khi Hy Lạp cũng đang đàm phán để nâng cấp hệ thống S-300 hiện nay.
Mỹ đã nhiều lần ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách mua tổ hợp vũ khí hiện đại này từ Nga, sau khi nỗ lực mua tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc đổ vỡ. Washington cho rằng tên lửa S-400 sẽ gây ra mối đe dọa lớn về an ninh đối với NATO nếu nó được tích hợp vào lưới phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của khối.
Tức giận trước sự kiên quyết của Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ đã đe dọa sẽ trừng phạt kinh tế với Ankara nếu nước này quyết mua tổ hợp S-400. Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không lùi bước và sẽ có những biện pháp đáp trả.
S-400 không tương thích với tiêu chuẩn vũ khí chung của NATO, khiến Thổ Nhĩ Kỳ không thể tích hợp nó vào hệ thống phòng không của các nước đồng minh. Tuy nhiên, hợp đồng với Moscow có điều khoản cho phép Ankara sở hữu công nghệ chế tạo tên lửa, điều mà nước này đang rất cần.
"Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng đã quá thất vọng với Mỹ và các nước châu Âu", chuyên gia Konstantin Makienko thuộc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Nga (CAST) nhận định. Tuy nhiên, ông Makienko cho rằng Ankara sẽ không được Moscow chuyển giao toàn bộ công nghệ S-400, Moscow vẫn nắm giữ những kỹ thuật quan trọng nhất để đảm bảo bí mật.
Hệ thống S-400 mà Nga bán cho Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng sẽ không có hệ thống nhận diện địch - ta, giúp chúng đối phó bất kỳ mối đe dọa nào, dù là từ Nga hay NATO.
Hệ thống S-400 sử dụng 4 loại tên lửa với tầm bắn khác nhau để tiêu diệt máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, được đưa vào biên chế quân đội Nga từ năm 2007. Đạn 40N6 của tổ hợp S-400 có thể diệt mục tiêu từ khoảng cách 400 km và độ cao 30 km, trong khi các tên lửa cỡ nhỏ như 9M96 đủ sức đánh chặn nhiều khí tài bay thấp và đạt tầm bắn tối đa 120 km.
S-400 tỏ ra vượt trội so với tên lửa phòng không chủ lực của Mỹ là MIM-104 Patriot. Ra mắt lần đầu năm 1984, phiên bản PAC-3 hiện đại nhất chỉ có tầm bắn tối đa 70 km và trần bắn 24 km.
Duy Sơn