"Động đất đã gây thiệt hại lớn đối với các công trình, 700 - 1.000 ngôi nhà bị tàn phá", Baz Mohammad Sarwary, phát ngôn viên tỉnh Badghis phía tây Afghanistan, nơi tọa lạc huyện Qadis, hôm nay cho biết. Đây là vùng nông thôn hẻo lánh khó tiếp cận bằng đường bộ.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, trận động đất đầu tiên mạnh 4,9 độ xảy ra vào chiều 17/1, còn trận thứ hai mạnh 5,3 độ diễn ra sau đó hai giờ. Tâm chấn nằm gần thành phố Qala-i-Naw, thủ phủ tỉnh Badghis, cách biên giới Turkmenistan gần 100 km. Các trận động đất xảy ra ở độ sâu khá nông.
Ít nhất 22 người thiệt mạng và 4 người bị thương, nhưng Sarwary cho hay con số thương vong có khả năng gia tăng. Phát ngôn viên chính phủ Taliban Zabihullah Mujahid đã xác nhận thông tin.
Giới chức Afghanistan cho biết đội ngũ nhân viên cứu hộ đang tìm kiếm những người sống sót dưới đống đổ nát, đồng thời đưa những người bị thương đến các bệnh viện địa phương. Một nhóm thành viên Taliban cũng tới khu vực để hỗ trợ. Mujahid cho biết tất cả cơ quan chính phủ đều đã được hướng dẫn cung cấp thực phẩm, vật tư y tế và nơi ở cho những người bị ảnh hưởng.
"Chúng tôi cũng kêu gọi các cơ quan nhân đạo và viện trợ quốc tế giúp đỡ những nạn nhân thảm họa", Mujahid viết trong bài đăng trên Twitter.
Trận động đất xảy ra trong bối cảnh Afghanistan vốn đang trải qua thảm họa nhân đạo. Tình hình ngày càng tồi tệ kể từ khi phong trào Taliban lên nắm quyền hồi tháng 8/2021, khi các nước phương Tây đóng băng viện trợ quốc tế và phong tỏa tài sản ở nước ngoài của Afghanistan. Liên Hợp Quốc cho biết cần 5 tỷ USD vào năm 2022 để ngăn chặn thảm họa nhân đạo tại nước này.
Nạn hạn hán nghiêm trọng khiến cuộc khủng hoảng thêm nan giải. Huyện Qadis, nơi động đất tấn công, là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Afghanistan thường xuyên hứng chịu động đất, đặc biệt là khu vực dãy núi Hindu Kush nằm gần vị trí tiếp xúc giữa hai mảng kiến tạo Á-Âu và Ấn Độ. Ngay cả những trận động đất cường độ yếu vẫn có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đối với nhà cửa và công trình chất lượng xây dựng kém.
Ánh Ngọc (Theo AFP, BBC)