Hải quân Mỹ sở hữu nhiều loại vũ khí hiện đại nhất trong các bên tham chiến thời Thế chiến II, nhưng cũng có một số khí tài bị chê là thảm họa. Điển hình trong số này là mẫu ngư lôi Mark 14.
Quá trình thiết kế Mark 14 bắt đầu năm 1931 nhằm thay thế mẫu Mk.10 biên chế từ Thế chiến I. Loại ngư lôi này được kỳ vọng sẽ là vũ khí chống hạm uy lực và hiện đại nhất trong hải quân Mỹ thời đó.
Mark 14 nặng gần 1,5 tấn, dài 6,2 m và có đường kính 530 mm. Nhờ trang bị động cơ hơi nước, ngư lôi có tầm bắn trên 8 km và tốc độ tối đa 85 km/h. Nó được trang bị đầu đạn nổ mạnh nặng 292 kg, chuyên kích nổ dưới tàu chiến đối phương. Theo lý thuyết, Mark 14 khi kích nổ có thể tạo ra sóng xung kích rất lớn, bẻ gãy sống tàu chiến hoặc tạo ra các lỗ thủng lớn để nhanh chóng đánh chìm tàu địch.
Tàu ngầm Mỹ trong Thế chiến II chỉ được trang bị số ít ngư lôi Mark 14 do chi phí đắt đỏ, mỗi quả có giá tới 10.000 USD, tương đương 171.000 USD ngày nay. Họ tận dụng tối đa các loại hải pháo trong chiến đấu, nhưng các chỉ huy vẫn ra lệnh phóng ngư lôi Mark 14 trong tình huống cần thiết như đối mặt tàu khu trục săn ngầm hoặc tung đòn tập kích bất ngờ vào biên đội tàu đối phương.
Tuy nhiên, sau khi chuẩn đô đốc Harold Stark cho phép sử dụng Mark 14 không hạn chế trong chiến đấu, các chỉ huy tàu ngầm nhanh chóng báo cáo hàng loạt vấn đề phát sinh với mẫu ngư lôi này.
Ngày 23/7/1943, tàu ngầm USS Tinosa đang tuần tra ở Thái Bình Dương thì phát hiện tàu chở dầu Tonan Maru của Nhật. Đây được coi là mục tiêu giá trị cao và dễ bị đánh chìm vì không có tàu chiến đi theo bảo vệ.
Tàu ngầm Mỹ tìm cách đánh chìm tàu dầu Tonan Maru suốt một ngày nhưng không thành công. Chỉ huy tàu ngầm ra lệnh khai hỏa 15 trong 16 quả Mark 14, trong đó 12 ngư lôi đánh trúng mục tiêu nhưng chỉ một quả phát nổ. Tàu dầu Tonan Maru sau đó trốn thoát với thiệt hại rất nhỏ.
Một lần khác, tàu ngầm USS Seawolf phát hiện tàu vận tải 8.000 tấn của Nhật Bản neo ở vịnh Talomo của Philippines và khai hỏa 4 ngư lôi Mark 14 vào con tàu đang đứng yên. Tuy nhiên, chúng đều trượt mục tiêu hoặc không phát nổ. Chỉ huy tàu Mỹ phải ra lệnh nạp ngư lôi Mark 10 đời cũ và diệt mục tiêu sau hai lần khai hỏa.
Một số tàu Nhật Bản dường như đã trở về cảng với ngư lôi Mark 14 không phát nổ cắm vào thân vỏ.
Vấn đề nghiêm trọng hơn là Mark 14 luôn phát nổ đúng thiết kế sau khi chạy vòng quanh và lao vào chính tàu ngầm phóng đạn. Hiện tượng này xảy ra khi quả đạn chạy theo đường cong thay vì lao thẳng tới mục tiêu, có thể do lực cản và lực đẩy không cân bằng, thậm chí là vì vỏ ngư lôi bị cong. 24 tàu ngầm Mỹ đã gặp vấn đề này, trong đó hai chiếc bị đánh chìm, số còn lại phải chật vật né tránh quả ngư lôi do chính mình phóng ra đang lao tới.
Hải quân Mỹ mất hai năm để tìm ra lỗi. Sự cố chạy vòng quanh bắt nguồn từ con quay hồi chuyển có vấn đề, khiến ngư lôi không thể chạy thẳng. Mark 14 đôi khi di chuyển bên dưới mục tiêu vì thiết bị đo độ sâu bị trục trặc, trong khi việc quả đạn không kích nổ do đầu nổ cơ học và từ tính bị lỗi.
Dòng ngư lôi Mark 14 sau đó được chỉnh sửa toàn diện, trở thành vũ khí uy lực của tàu ngầm Mỹ và chỉ bị loại biên hoàn toàn vào năm 1980. Nó được thay thể bởi phiên bản Mark 48 phát triển vào thập niên 1960 và đưa vào sử dụng năm 1971.
Duy Sơn (Theo WATM)