Một vật thể có số hiệu 32398 quay quanh Trái Đất vỡ thành nhiều mảnh hôm 15/4, theo thông báo của Phi đoàn phòng thủ vũ trụ số 18 của Lực lượng Không gian Mỹ trên mạng Twitter hôm 3/5. Các nhà chức trách đang theo dõi tổng cộng 16 mảnh vỡ liên quan tới sự kiện này.
Vật thể 32398 là một motor từ tên lửa chở 3 vệ tinh GLONASS của Nga lên quỹ đạo năm 2007, theo phóng viên Anatoly Zak, người quản lý trang RussianSpaceWeb.com. (GLONASS là phiên bản hệ thống định vị vệ tinh của Nga).
Vệ tinh GLONASS cất cánh trên tên lửa Proton của Nga. Tầng trên của tên lửa có hai motor nhỏ, theo chuyên gia theo dõi vệ tinh Jonathan McDowell ở Trung tâm vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian. Motor này giúp các tầng tên lửa tăng tốc nhẹ, đảm bảo nhiên liệu đẩy nằm đúng vị trí trong bình chứa để động cơ tái khởi động trên quỹ đạo, McDowell giải thích.
Motor ở tầng trên của tên lửa Proton là motor SOZ (Sistema Obespecheniya Zapuska). Hiện nay, có 64 motor SOZ trên quỹ đạo Trái Đất. Theo McDowell, motor SOZ không sử dụng hết tất cả nhiên liệu khi kích hoạt. Chúng có xu hướng phát nổ sau nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ, tạo ra chùm mảnh vỡ trên quỹ đạo hình elip dài. Tính đến nay, ít nhất 54 motor SOZ đã phát nổ.
Các mảnh vỡ của motor SOZ phát nổ gần đây nhất đang bay theo hình elip quanh Trái Đất với khoảng cách gần nhất là 388 km và xa nhất là 11.852 km. Chúng sẽ mất một thời gian để rơi trở lại khí quyển Trái Đất.
Rác vũ trụ trở thành vấn đề ngày càng lớn đối với các nhà vận hành vệ tinh và hoạch định nhiệm vụ. Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) ước tính có khoảng 36.500 mảnh vỡ rộng ít nhất 10 cm đang bay quanh Trái Đất. Theo ESA, quỹ đạo của hành tinh nhiều khả năng chứa khoảng một tỷ vật thể có đường kính 1 - 10 cm.
Trước đó, Nga đã phá hủy một trong những vệ tinh ngừng hoạt động của nước này bằng tên lửa, tạo ra một đám mây mảnh vỡ gần Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào tháng 11/2021. Các nhà vận hành trạm ISS phải khai hỏa động cơ hai lần để né những mảnh vỡ từ thử nghiệm phá hủy vệ tinh.
An Khang (Theo Space)