Theo CNN, không chỉ những thành viên chủ chốt đảng Cộng hòa mà ngay cả các lãnh đạo thế giới hiện tại cũng phải đối mặt với một sự thật họ chưa bao giờ nghĩ đến: Donald Trump gần như chắc chắn trở thành người đại diện đảng tranh cử tổng thống sau chiến thắng vang dội tại cuộc bỏ phiếu sơ bộ bang Indiana, đồng thời, hai đối thủ cạnh tranh của ông rút khỏi cuộc đua.
Không còn là chú hề
Thủ tướng Anh David Cameron từng gọi đề xuất của ông Trump về việc cấm người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ là "gây chia rẽ, ngu ngốc và sai lầm". Thế nhưng, trong cuộc họp báo với người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe ở London hôm 5/5, giọng điệu của Thủ tướng Cameron bỗng thay đổi, ông tỏ ra hòa nhã hơn, cho rằng tỷ phú Trump "xứng đáng được chúng ta tôn trọng" với thắng lợi vẻ vang trong vòng bầu cử sơ bộ.
Thủ tướng Nhật Bản Abe, từng hết sức bất ngờ trước ý tưởng ông Trump đưa ra liên quan đến việc kêu gọi Mỹ rút quân đồn trú khỏi Nhật và trang bị vũ khí hạt nhân cho Tokyo, đã không thể giấu nụ cười mỉm với bình luận của Thủ tướng Anh Cameron.
Ông Cameron không nhận sai về các tuyên bố trước đây, bất chấp việc một cố vấn của tỷ phú Trump yêu cầu ông phải xin lỗi vì những lời nhận xét bộc phát. Thực tế, Thủ tướng Anh vẫn khẳng định ông kiên quyết duy trì quan điểm đối với cách nhìn nhận của ứng viên tổng thống Mỹ Trump.
"Tôi từng nói rõ ràng rằng, ý tưởng chính sách như vậy đã sai, đang sai và sẽ sai", ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, thái độ tôn trọng của Thủ tướng Anh cũng phần nào cho thấy sự thay đổi đáng kể trong cách ông nhìn nhận nhà tài phiệt New York.
Ông Trump tháng trước đưa ra tầm nhìn về chủ nghĩa biệt lập lồng ghép trong bài phát biểu về chính sách ngoại giao quan trọng, đi ngược lại những quan điểm ngoại giao mà Mỹ và đồng minh theo đuổi hàng thập kỷ qua.
Kết quả một số cuộc khảo sát cho thấy, những tuyên bố công kích của ông Trump, đề nghị các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải đóng góp tài chính nhiều hơn và Mỹ cần tránh dính líu đến những cuộc chiến tốn kém, đang nhận được sự ủng hộ của người dân nước này.
Giới quan sát đánh giá, nhiều đồng minh Mỹ, những bên từng bài bác Trump như một chú hề, đang bắt đầu thay đổi cách phản ứng trước một khả năng rất thực là ông có thể trở thành lãnh đạo Nhà Trắng tiếp theo.
Hàn gắn quan hệ
Hồi tháng hai, phản ứng trước tuyên bố của ông Trump về việc buộc Mexico phải chịu phí tổn xây dựng bức tường ngăn cách biên giới hai nước nhằm chặn đứng dòng người nhập cư bất hợp pháp, cựu tổng thống Mexico Vicente Fox đáp trả rằng: "Tôi sẽ không chi trả cho bức tường khốn kiếp đó".
Tuần trước, ông Fox tìm đến những cơ quan báo chí có tư tưởng thân hữu để phát đi thông điệp hàn gắn quan hệ với Donald Trump. Tại buổi trả lời phỏng vấn trang tin Breitbart News, ông Fox gửi lời xin lỗi đến tỷ phú Mỹ.
"Nếu lời nói của tôi xúc phạm ông, tôi xin lỗi", ông Fox nói.
Thông báo vận động tranh cử mà ông Trump đưa ra hồi tháng 6 năm ngoái từng khiến truyền thông trong và ngoài nước dậy sóng vì gọi những người Mexico vượt biên là "kẻ hiếp dâm", mang ma túy, tội ác vào Mỹ.
"Tha thứ là một trong những phẩm chất cao quý nhất của con người, đồng thời cũng là phẩm chất của một nhà lãnh đạo có lòng trắc ẩn", ông Fox nói. "Bạn nên khiêm nhường. Bạn nên có lòng vị tha. Bạn nên yêu thương láng giềng của mình".
Ông cũng gợi ý rằng tỷ phú Trump cần thể hiện một thái độ tương tự. "Còn phía đối phương thì sao?", ông đặt câu hỏi.
Con tàu của Trump
Không chỉ người dân Mexico, nhiều đồng minh của Mỹ cũng bị Trump công kích hay bất đồng với những chính sách ông nêu ra trong quá trình vận động tranh cử. Tổng thống Nga Vladimir Putin là lãnh đạo hiếm hoi trên thế giới dành những lời lẽ tốt đẹp cho ông.
Song, khi khả năng Trump đắc cử tổng thống đang tăng dần, hàng loạt lãnh đạo thế giới bắt đầu "ngậm bồ hòn làm ngọt" và "nhảy lên Con tàu Trump", như lời các cố vấn của ông nhận xét, hoặc ít nhất cũng hạn chế nêu những bình luận chỉ trích ông.
Trung Quốc là nước thường xuyên hứng chịu đả kích của Trump. Ông cáo buộc quốc gia này thao túng tiền tệ, rồi "cưỡng bức" Mỹ bằng các hoạt động thương mại bất công.
Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ tháng trước cho rằng ông Trump "hết sức phi lý" khi đề xuất áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước họ.
Sau hàng loạt chiến thắng áp đảo của Trump và với việc ông gần như chắc chắn trở thành ứng viên đại diện đảng Cộng hòa chạy đua vào Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lúc này đưa ra những bình luận tích cực hơn.
"Bản chất của mối quan hệ thương mại và hợp tác kinh doanh Mỹ - Trung là đôi bên cùng có lợi và phù hợp với lợi ích của nhau", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói trước các phóng viên. "Chúng tôi hy vọng mọi thành phần trong các lĩnh vực khác nhau ở Mỹ có thể nhìn nhận mối quan hệ này một cách khách quan và hợp lý".
Dù vậy, một số người vẫn thẳng thắn bày tỏ quan điểm tiêu cực trước viễn cảnh Donald Trump làm tổng thống Mỹ, theo CNN. Hoàng tử Arab Saudi Turki al-Faisal là một trong số đó. Hôm 5/5, ông cảnh báo, bầu cử Mỹ có khả năng sẽ trở thành một cuộc trình diễn, không hơn không kém.
"Suốt cuộc đời mình, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một đất nước như Mỹ lại có thể chấp nhận một tổng thống dám hồn nhiên tuyên bố rằng 'những người kia không được phép đến Mỹ'", ông Faisal nói, ám chỉ đến đề xuất cấm người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ của ông Trump.
Ông Faisal rất cẩn trọng lựa chọn từ ngữ nhưng thông điệp thì đã rõ. "Mọi việc tùy thuộc vào các bạn, chứ không phải tôi", Faisal nói. "Tôi hy vọng, các bạn, với tư cách là công dân Mỹ, sẽ đưa ra lựa chọn sáng suốt trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới".
Xem thêm: Cánh cửa hẹp vào Nhà Trắng của Donald Trump
Hồng Vân