Chưa đầy hai tuần sau khi tuyên bố ý định rút quân khỏi Syria, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả "mạnh mẽ và nhanh chóng" trước cáo buộc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học. Các nhà phân tích cho rằng nếu quyết định sử dụng biện pháp quân sự, Mỹ sẽ tung ra đòn đánh giới hạn, nhằm bảo đảm sức răn đe Damascus và tránh gây thương vong cho binh sĩ Nga đồn trú ở Syria, theo National Interest.
"Mỹ chắc chắn phải rất thận trọng khi lựa chọn mục tiêu tấn công. Có nhiều phương án như phóng tên lửa hành trình từ trên không và trên biển, cũng như điều chiến đấu cơ xâm nhập không phận Syria", Mark Gunzinger, chuyên gia phân tích sức mạnh không quân tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách Mỹ (CSBA), nhận định.
Washington sẽ ưu tiên sử dụng khí tài tấn công tầm xa như tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk hoặc AGM-86C ALCM. Cả hai loại vũ khí này đều có tầm bắn 1.200-1.600 km, không đòi hỏi tàu chiến và oanh tạc cơ Mỹ di chuyển gần lưới phòng thủ của Syria.
Tên lửa hành trình là lựa chọn hàng đầu bởi chúng có khả năng bay cực thấp, giúp che giấu hướng tiếp cận trước các đài radar cảnh giới. Điều này sẽ gây khó khăn cho các tổ hợp phòng không rất mạnh của Nga tại Syria như S-400 và S-300V4.
Quân đội Syria sở hữu nhiều tổ hợp phòng không hiện đại như Buk-M2E và Pantsir-S1, trong khi các khẩu đội tên lửa tầm xa S-200 được hỗ trợ bởi hệ thống S-300V4 và S-400 của Nga tại tỉnh Latakia. Sự kết hợp này khiến những tiêm kích thế hệ 4 và oanh tạc cơ đời cũ dễ bị phát hiện, khó có thể tiến hành đòn tấn công hiệu quả. Do vậy, bộ đôi phi cơ tàng hình B-2 Spirit và F-22 Raptor cũng là một lựa chọn có thể được quân đội Mỹ cân nhắc cho đòn trừng phạt Syria.
Chris Harmer, chuyên gia quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh Mỹ, cho rằng Washington có thể triển khai tiêm kích tác chiến điện tử EA-18G Growler và nhiều phương tiện khác để gây nhiễu radar Nga trước khi phát động tấn công. Tuy nhiên, khả năng chế áp của EA-18G trước các hệ thống tác chiến điện tử Nga chưa được kiểm chứng, có thể đẩy phi cơ Mỹ vào tầm nguy hiểm.
Theo các chuyên gia quân sự, nếu lựa chọn phương án và khí tài không hợp lý để tấn công Syria, Mỹ có khả năng làm leo thang căng thẳng, thậm chí là xung đột trực diện với Nga.
Quân đội Nga triển khai ở nhiều khu vực tại Syria, Moscow cũng từng cảnh báo sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu tính mạng binh sĩ tại nước này bị đe dọa. Điều đó khiến Nhà Trắng và Lầu Năm Góc phải suy tính kỹ trước khi thực hiện bất kỳ đòn trừng phạt nào.
"Việc Mỹ tấn công quân sự sẽ không thay đổi được chính quyền Syria và chỉ khiến mọi thứ tồi tệ hơn. Đây dường như là cuộc tấn công tự thỏa mãn mình của Mỹ. Khi không có chiến lược hay tầm nhìn cho toàn bộ xung đột, hành động quân sự chỉ khiến tình hình leo thang mà không đạt được bất kỳ mục đích nào", Emile Hokayem, chuyên gia nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), nhận định.
Duy Sơn