Số liệu trên được nêu trong báo cáo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021, được Chính phủ gửi đến Quốc hội. Tuy nhiên, so với năm 2020, số đơn giảm mạnh với 35,1%, số vụ việc giảm 18,7%. Nội dung chủ yếu vẫn là tố cáo cán bộ, công chức vi phạm pháp luật trong quản lý, thực thi công vụ.
Xét theo vụ việc, tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2021 giảm mạnh so với năm 2020 (khiếu nại giảm 23,5%; tố cáo giảm 18,7%). Theo cơ cấu lĩnh vực, tình hình khiếu nại không có nhiều thay đổi so với các năm trước, vẫn tập trung chủ yếu trong lĩnh vực đất đai, chiếm 64,6% (năm 2020 là 61,5%; năm 2019 khoảng 67%).
Ủy ban Pháp luật, cơ quan thẩm tra báo cáo, đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ tỷ lệ trên do thực trạng hoạt động của bộ máy hành chính công vụ còn nhiều bất cập, người dân chưa thực sự tin tưởng vào sự liêm chính, khách quan, công tâm của một bộ phận công chức, người có thẩm quyền trong giải quyết hay vì lý do nào khác...
Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021, cơ quan chức năng đã kiến nghị xử lý trên 570 người, trong đó có 442 cán bộ, công chức. 12 vụ với 15 công chức và 2 cá nhân đã được chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý.
Các quyết định trên được đưa ra sau khi giải quyết gần 17.300 vụ việc khiếu nại, tố cáo (đạt 76,3%, giảm 7,2%). Các cơ quan có thẩm quyền cũng kiến nghị trả lại cho tổ chức, cá nhân 441 tỷ đồng, 41,6 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 51 tổ chức, hơn 1.000 cá nhân.
Theo Ủy ban Pháp luật, con số 12 vụ việc với 17 người nêu trên là "rất khiêm tốn". Vì vậy, đề nghị Chính phủ cung cấp thêm thông tin, làm rõ nội dung này.
Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xây dựng khung pháp lý bảo đảm tính kết nối, liên thông trong chia sẻ dữ liệu. Điều này nhằm nâng cao chất lượng của công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, hạn chế tình trạng chuyển đơn trùng lặp, chuyển đơn đối với các vụ việc đã được giải quyết đúng thẩm quyền, không có tình tiết mới.