Ông Vương Đình Huệ nêu yêu cầu trên khi làm việc với Ban Dân nguyện ngày 17/5. Theo đó, Ban Dân nguyện cần phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và Đoàn đại biểu Quốc hội đổi mới, nâng cao chất lượng giám sát; quan tâm hơn nữa đến công tác hậu giám sát, "đeo bám đến cùng".
"Nếu giải quyết tốt từ cấp dưới thì số lượng đơn thư, kiến nghị dồn lên cấp trên sẽ càng ít đi; cấp trên sẽ tập trung giải quyết được những vụ việc phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp liên ngành hoặc thẩm quyền cao hơn", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Ông cũng yêu cầu Ban Dân nguyện nghiên cứu để tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi các nghị quyết về hướng dẫn thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo...
Chủ tịch Quốc hội gợi mở Ban Dân nguyện kiểm đếm hồ sơ các vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài, tập trung đông người, thông qua giám sát để ban hành nghị quyết.
"Có thể đề xuất để Quốc hội giám sát tối cao hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và các vấn đề liên quan đến kiến nghị của cử tri", ông nói và nhấn mạnh công tác này cần được đo lường bằng những sản phẩm cụ thể.
Theo ông Vương Đình Huệ, trong điều kiện kinh tế, xã hội đang phát triển với tốc độ nhanh như hiện nay, cơ chế chính sách đôi lúc chưa theo kịp đòi hỏi của cuộc sống... nên ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân ngày càng tăng là một thực tế khách quan. "Điều quan trọng là thái độ, cái nhìn của chúng ta để quyết tâm giải quyết các vấn đề người dân đặt ra sao cho thấu tình đạt lý", ông nhấn mạnh.
Cũng tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội nói Ban Dân nguyện cần nghiên cứu cơ chế cung cấp thông tin; phối hợp với các cơ quan báo chí để thông tin đầy đủ, kịp thời về công tác dân nguyện của Quốc hội.