Chiều 18/8, Ủy ban Thường vụ cho ý kiến vào báo cáo tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo gửi đến Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, nếu đơn thư người dân gửi đến Quốc hội mà các cơ quan chỉ làm nhiệm vụ chuyển đi thì không có ý nghĩa gì, trong khi đây là vấn đề bức xúc trong xã hội hiện nay.
Theo ông, từ tháng 4 đến nay, các cơ quan của Quốc hội tập trung thẩm tra báo cáo của Chính phủ, tuy nhiên việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thì "hầu như không có". Nhắc lại thời gian làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Huệ nói có một số vụ việc nổi cộm, phức tạp trên địa bàn như xử lý sai phạm tại công trình 8B Lê Trực, hay bãi rác Nam Sơn nhưng không thấy cơ quan của Quốc hội vào cuộc cùng thành phố.
Nêu rõ một trong những chức năng của Ban Dân nguyện (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) là tổng hợp kết quả tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý đơn, thư và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo..., ông Huệ cho rằng Ủy ban Thường vụ phải họp hàng tháng để xem xét những vấn đề liên quan nội dung này, "không thì sinh ra cơ quan dân cử làm gì?".
"Chính phủ và các cơ quan chức năng giải quyết nhưng Quốc hội, cơ quan Quốc hội phải giám sát, đôn đốc thực hiện và báo cáo lại", ông Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội gợi ý, hàng tháng Ban Dân nguyện báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo. Mỗi cuộc họp, Thường vụ sẽ đặt ra 7-8 vụ việc, vấn đề bức xúc, nổi cộm, theo dõi giải quyết "đến nơi đến chốn" để xem sự chuyển biến. Bên cạnh đó, cần "truy đến cùng trách nhiệm của cá nhân, tập thể" để dân, cử tri đặt niềm tin vào Quốc hội, cơ quan dân cử.
"Năm 2022, Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cao. Chúng ta phải làm đến nơi đến chốn, không để người dân chê là vô cảm", ông Huệ nói.
Trưởng ban Dân nguyện Thanh Bình cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình khiếu nại, tố cáo trên phạm vi cả nước "tương đối ổn định và giảm so với cùng kỳ năm trước". Dù vậy, vẫn còn một số đoàn đông người và công dân của một số địa phương tập trung tại khu vực trung tâm TP Hà Nội, nhà riêng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước ... căng băng rôn, khẩu hiệu.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, 6 tháng đầu năm, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp nhận hơn 161.200 đơn của công dân, trong đó khoảng 20.400 đơn khiếu nại (giảm 25,9%), gần 8.600 đơn tố cáo (giảm 38,1%). Báo cáo của Bộ Công an cho thấy, có 501 vụ việc tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự xã hội ở một số địa phương.
Theo ông Bình, trong tháng 7, Ban Dân nguyện đã tiếp 26 lượt người liên quan đến 22 vụ việc; trong đó 7 vụ khiếu nại, 2 vụ tố cáo, 13 kiến nghị, phản ánh. Nội dung chủ yếu là đề nghị xem xét lại các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật...