Sáng 23/7, bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, lượng hàng hoá thiết yếu, thực phẩm tươi sống... cung ứng cho thành phố rất dồi dào, không lo thiếu hàng.
Thực tế, chia sẻ với VnExpress, các siêu thị cũng cho biết đã dự trữ lượng hàng lớn, dồi dào.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cho biết, hệ thống siêu thị BigC (thuộc Tập đoàn Central Retail) đã tăng nguồn cung, trong đó riêng thực phẩm tươi sống tăng gấp đôi lượng hàng, còn thực phẩm khô tăng 30% so với ngày thường.
Hệ thống siêu thị Aeon tại Hà Nội cũng tăng 200-400% lượng hàng thực phẩm tươi sống, 120-130% hàng thực phẩm khô. Việc tăng hàng cho các siêu thị của Aeon tại Hà Nội được chủ động từ cách đây một tuần.
Bà Trần Thu Quỳnh - Giám đốc Thu mua Khu vực miền Bắc (Công ty TNHH Aeon Việt Nam) cho biết, bộ phận thu mua đã làm việc với các nhà cung cấp để tăng nguồn hàng trong tình huống khẩn cấp hơn. Aeon cũng tăng diện tích kho chứa, hàng đông lạnh và hàng tươi cấp đông...
Tương tự, Vinmart/Vinmart+ cũng tăng gấp ba hàng thực phẩm thiết yếu, trứng và rau xanh tăng gấp 5 lần. Các loại sản phẩm có thể dự trữ lâu như bí xanh, khoai tây... cũng nhiều hơn và làm việc với các nhà cung ứng để đảm bảo hàng trên kệ không bị trống.
Tuy nhiên, theo các siêu thị, vẫn còn nhiều khó khăn, áp lực ở khâu lưu thông, vận chuyển, nhân lực bán hàng...
Hiện nhiều địa phương đang yêu cầu các tài xế vận chuyển hàng hoá phải xét nghiệm Covid-19, thời gian mỗi nơi đưa ra khác nhau dù yêu cầu chung của Bộ Y tế là 72 giờ.
Hơn nữa, vấn đề lưu thông hàng hóa trong khâu vận chuyển, mỗi địa phương chỉ đạo khác nhau dẫn đến khó khăn cả trong công tác xét nghiệm, con người, phương tiện vận chuyển...
Theo bà Trần Thu Quỳnh, một số mặt hàng nhập khẩu hoặc vận chuyển từ các tỉnh, thành phía Nam như cá biển, ruột ốc hến sơ chế, hoa quả tươi miền Nam... đang bị chậm hơn trước. Các nhà cung cấp gặp khó trong khâu sản xuất chế biến ở nhà máy, vận chuyển do hiện có đến 19 tỉnh, thành phía Nam đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng dịch bệnh.
Phía doanh nghiệp đã chủ động làm việc với nhà cung cấp gần hơn, song họ cũng cần hỗ trợ từ cơ quan quản lý, tạo thuận lợi trong vận chuyển hàng, xét nghiệm tài xế chở hàng... để chuỗi cung ứng logistics không bị đứt gãy.
Tuần trước Hà Nội đã có chỉ đạo tạo "luồng xanh" cho vận chuyển hàng mùa dịch. Trên cơ sở này, Sở Công Thương tập hợp, lên danh sách các điểm bán hàng phân phối, xe chở vận chuyển hàng thiết yếu của doanh nghiệp. Danh sách được chuyển sang Sở Giao thông Vận tải, để cấp mã ưu tiên cho các phương tiện vận chuyển, nhằm đưa hàng từ vùng sản xuất tới các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đảm bảo lưu thông thông suốt.
Sở Công Thương Hà Nội đã lập kịch bản cung ứng hàng cho thành phố theo 3 cấp độ dịch. Hiện Hàng hoá có thể đủ cung cấp cho nhu cầu của người dân thủ đô trong 3 tháng.
- Cấp độ 1 từ 20 ca nhiễm đến dưới 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên tổng trị giá lượng hàng hóa khoảng 314 tỷ đồng.
- Cấp độ 2 từ 1.000 đến 3.000 trường hợp mắc tổng trị giá lượng hàng hóa gần 1.049 tỷ đồng.
- Cấp độ 3 từ trên 3.000 đến 30.000 trường hợp mắc tổng trị giá lượng hàng hóa gần 5.340 tỷ đồng.
Anh Minh