Trò chuyện tại Trung tâm truyền thông và giáo dục sức khỏe TP HCM, PGS Trần Lê Linh Phương, Trưởng phân khoa Niệu, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, suy thận là tình trạng giảm hoạt động của thận, làm cho thận không đảm bảo được các nhiệm vụ của mình, ảnh hưởng đến hoạt động của toàn cơ thể.
Theo Phó giáo sư Phương, tùy theo lượng nước cung cấp, trọng lượng, điều kiện môi trường... cơ thể mỗi người thải ra 1-2 lít nước tiểu mỗi ngày. Nếu lượng nước tiểu nhiều hơn 2,5 lít, gọi là đa niệu. Lượng nước tiểu ít hơn 400ml là thiểu niệu và ít hơn 100ml là vô niệu.
Suy thận có thể xảy ra đột ngột gọi là suy thận cấp, hoặc diễn tiến từ từ tức suy thận mạn. Khi suy thận cấp, chức năng thận có thể hồi phục được. Suy thận mạn là chức năng thận suy giảm dần và cuối cùng mất hoàn toàn. Lúc này cần có các biện pháp điều trị hỗ trợ cho chức năng thận thì cơ thể mới sống được.
Phó giáo sư Phương cho biết, suy thận chỉ có biểu hiện lâm sàng khi bị hủy hoại trên 90% đơn vị hoạt động của cả hai thận. Vì thế biểu hiện lâm sàng rất mơ hồ, chỉ rõ ràng khi suy thận cấp hoặc suy thận mạn ở giai đoạn cuối:
- Lượng nước tiểu giảm hoặc lượng nước tiểu tăng quá nhiều.
- Các triệu chứng của thừa nước như phù, tăng huyết áp, suy tim, phù phổi, phù não.
- Các triệu chứng của tăng các chất độc trong máu như buồn nôn, nôn ói, chán ăn, đau cơ, đau xương khớp, co rút cơ hoặc liệt, loạn nhịp tim, khó ngủ, nổi mẫn da...
- Các triệu chứng của thiếu máu, da xanh xao, chóng mặt.
- Kèm theo các triệu chứng của bệnh lý gây suy thận như tiêu chảy, phỏng, chảy máu cấp, đau lưng, đau bụng, tiểu khó...
"Tình trạng thận chỉ có thể đánh giá chính xác bằng cách sinh thiết thận, đọc các cấu trúc của các đơn vị thận dưới kính hiển vi. Các xét nghiệm hiện nay chỉ đánh giá tương đối chức năng thận, vì thế cần kết hợp nhiều xét nghiệm", bác sĩ Phương nhấn mạnh.
Một số xét nghiệm đánh giá chức năng thận có thể thực hiện như tổng phân tích nước tiểu, đo lượng protein nước tiểu 24 giờ, tổng phân tích tế bào máu, các xét nghiệm sinh hóa, siêu âm bụng, chụp CT scan bụng, xạ hình thận bằng đồng vị phóng xạ, albumin huyết thanh...
Ở người suy thận, natri máu giảm (natri máu bình thường 135-145 mmol/L), có thể do nguyên nhân mất natri qua da, qua đường tiêu hóa, qua thận nhưng cũng có thể do thừa nước. Các triệu chứng lâm sàng của giảm natri máu chủ yếu ở hệ thần kinh đi từ nhẹ đến nặng như nhức đầu, buồn nôn, lừ đừ, hôn mê, co giật.
Lượng kali máu ở bệnh nhân suy thận tăng (kali máu bình thường 3,5-4,5 mmol/L) do thận giảm thải kali. Các triệu chứng của tình trạng tăng kali từ nhẹ đến nặng như mệt mỏi, dị cảm, mất phản xạ, liệt cơ, rối loạn nhịp tim.
Bên cạnh đó, người suy thận có biểu hiện tăng acid uric máu, giảm canxi máu kèm theo tăng phosphat. Triệu chứng hạ canxi máu chủ yếu là dấu kích thích thần kinh cơ gồm tăng phản xạ gân xương, co cứng cơ, co giật, rối loạn nhịp tim. Suy thận còn làm giảm thải các acid hình thành trong quá trình chuyển hóa của cơ thể hoặc mất bicarbonat gây tình trạng toan chuyển hóa cho cơ thể. Toan hóa máu làm loạn nhịp tim, rối loạn hô hấp, làm nặng thêm tình trạng tăng kali máu.
Phó giáo sư Phương đưa ra một số chỉ định các xét nghiệm chức năng thận. Theo đó, cần: Kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi năm chỉ làm các xét nghiệm đơn giản có tính định hướng như xét nghiệm sinh hóa máu, tổng phân tích nước tiểu, công thức máu, siêu âm bụng. Tiền căn gia đình có các bệnh di truyền về thận hoặc có người thân bị suy thận cần xét nghiệm sinh hóa máu, tổng phân tích nước tiểu, công thức máu, siêu âm bụng, các xét nghiệm chuyên biệt về di truyền.
Khi lâm sàng có các biểu hiện suy thận, cần xét nghiệm sinh hóa máu, tổng phân tích nước tiểu, công thức máu, siêu âm bụng. Nếu tìm thấy các nguyên nhân gây tắc nghẽn hệ niệu, làm thêm các xét nghiệm hình ảnh. Nếu không tìm thấy tắc nghẽn, có thể sinh thiết thận.
Có tiền căn can thiệp thủ thuật, phẫu thuật lên đường tiết niệu hoặc các cơ quan trong bụng, phải xét nghiệm sinh hóa máu, tổng phân tích nước tiểu, công thức máu, siêu âm bụng. Nếu có dấu hiệu tắc nghẽn cần làm thêm các xét nghiệm hình ảnh.
Lê Phương