Bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP HCM cho biết, quá lo lắng, nóng vội hoặc thụ tinh một lần không thành công thì tuyệt vọng là những rào cản của việc tìm con bằng thụ tinh trong ống nghiệm.
Điều trị vô sinh cần phải ổn định tâm lý và có điều kiện tài chính. |
Không nên quá lo lắng
Theo bác sĩ Tường, phương pháp này được ví như một cuộc chạy đua đường dài chứ không phải đua cự ly ngắn. Nghĩa là bệnh nhân có thể phải thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần, có chu kỳ thành công, có chu kỳ thất bại. Nhiều người chỉ mới một lần thất bại đã không còn tinh thần và có ý buông xuôi.
Một số bệnh nhân khác lại nghĩ rằng, khi thụ tinh trong ống nghiệm thì phải nghỉ việc, nghỉ ngơi tuyệt đối, tuy nhiên điều này lại hoàn toàn không làm tăng tỷ lệ có thai. Các kỹ thuật điều trị vô sinh nói chung không đòi hỏi nhập viện hay điều gì khẩn cấp để bệnh nhân phải nghỉ việc.
"Việc điều trị vô sinh có thể phải kéo dài vài năm, do đó, bạn đừng để việc điều trị làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Bạn cũng không nên thay đổi thói quen ăn uống cũng như các thói quen sinh hoạt trước đó", ông Tường nói.
Kinh phí mỗi lần thực hiện 50-60 triệu đồng
Kinh phí là vấn đề quan trọng bởi thụ tinh trong ống nghiệm tiêu tốn không ít tiền bạc. Có hai khoản phí chính, khoản tiền đầu tiên là tiền thuốc tiêm kích thích buồng trứng. Phí này chiếm khoảng 1/2 đến 2/3 tổng chi phí điều trị.
Bác sĩ Tường cho biết, mỗi tháng phụ nữ chỉ rụng một nang trứng, tức tối đa chỉ có một phôi hoặc thậm chí không có phôi nào. Tình trạng này khiến tỷ lệ đậu thai rất thấp nên cần phải kích thích trứng. Việc kích thích trứng làm tăng cơ hội có thai bằng cách tăng số trứng dẫn đến tăng số phôi có được. Khi đó sẽ chuyển 3-4 phôi trong một lần vào tử cung. Phôi thừa có thể đông lạnh trữ lại để dành sau này sử dụng.
"Nếu bệnh nhân thất bại trong lần đầu thụ tinh thì không phải tiến hành lại từ đầu mà chỉ cần rã đông phôi trữ, chuyển tiếp và sẽ có cơ hội có thai khác. Hoặc bệnh nhân thực hiện lần đầu đã có thai, trữ lại các phôi đó, một hai ba năm sau lại chuyển, bệnh nhân sẽ có em bé khác", bác sĩ Tường nói.
Khoản chi phí thứ hai là chi phí thực hiện kỹ thuật chọc hút trứng, nuôi cấy phôi, dụng cụ thí nghiệm lấy phôi và chuyển phôi vào buồng tử cung.
Tổng chi phí cho một ca thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam vào khoảng 55-60 triệu đồng. So với mức thu nhập của người Việt Nam là cao nhưng so với chi phí thụ tinh trong ống nghiệm trên thế giới thì thuộc loại thấp nhất.
Ai có thể thụ tinh trong ống nghiệm
Người bị tắc vòi trứng, bơm tinh trùng nhiều lần hoặc điều trị bằng cách khác mà chưa có con đều có thể tìm hiểu để tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm.
Về thủ tục pháp lý khi tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm trước hết phải là vợ chồng. Do vậy bệnh nhân sẽ cần giấy đăng ký kết hôn, giấy chứng minh nhân dân hoặc passport của vợ chồng.
Bệnh nhân có thể liên hệ tại các bệnh viện phụ sản ở nơi mình sinh sống để biết thêm chi tiết. Tại TP HCM, người bệnh có thể đến các bệnh viện chuyên khoa sản hoặc các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm để được tư vấn chi tiết.
Thiên Chương