Thứ hai, 20/1/2025
Thứ hai, 9/9/2013, 16:45 (GMT+7)

Dấu hiệu nhận biết sớm trẻ tự kỷ

18 tháng tuổi, nếu trẻ không nhìn bố mẹ và chỉ đồ vật, không nhìn theo khi bố mẹ chỉ tay một vật gì đó, trẻ không dùng trí tưởng tượng để chơi giả bộ… thì trẻ có nguy cơ bị tự kỷ.

Cuốn "Sổ tay tự kỷ của bác sĩ" được Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM vừa phát miễn phí với những hình ảnh minh họa sinh động, kiến thức dễ hiểu, giúp các giáo viên, phụ huynh sớm nhận ra dấu hiệu, hành vi trẻ tự kỷ để can thiệp kịp thời. Sách được dịch từ tài liệu của tổ chức HANS (Hãy giúp đỡ trẻ tự kỷ ngay từ bây giờ) tại Mỹ.

Cuốn sách là những gợi ý đơn giản giúp nhận biết trẻ có nguy cơ tự kỷ từ 18 tháng tuổi. Theo đó nếu trẻ không nhìn bố mẹ và chỉ ngón trỏ cho bố mẹ xem một vật nào đó, trẻ không nhìn theo khi bố mẹ chỉ bằng ngón trỏ một vật gì đó, trẻ không dùng trí tưởng tượng để chơi giả bộ… thì trẻ có nguy cơ bị tự kỷ. 

Trẻ có nguy cơ tự kỷ sẽ kém trong các vấn đề xã hội như không quan tâm đến các trẻ khác đang chơi, có vẻ hằn học với anh chị em, ngồi gào khóc một mình thay vì gọi mẹ, không để ý lúc cha mẹ đi hay lúc cha mẹ về nhà…

Trẻ không quan tâm chơi ú òa hay những trò chơi tương tác khác, phản ứng mạnh khi cha mẹ bồng, ôm hay hôn, không giơ tay đòi bế ra khỏi nôi khi có người đến bế...

Bên cạnh các vấn đề xã hội là vấn đề giao tiếp như không nhận biết môi trường xung quanh, tránh tiếp xúc mắt. Khi trẻ cần gì, thường cầm tay dắt người khác đến vật đó, tức là trẻ dùng cha mẹ, người lớn như một công cụ để lấy cho trẻ vật trẻ thích.

Những hành vi lặp đi lặp lại bất thường như trẻ liên tục vẫy tay, nhìn liên tục vào quạt trần đang quay, tự xoay người vòng vòng...

Trẻ thường không quan tâm đến đồ chơi mà chỉ gắn bó với một số vật dụng, thích bắt các hạt bụi trong ánh nắng, không biết chơi cách phù hợp với đồ chơi mà chỉ thích một phần của đồ chơi, chẳng hạn chỉ thích tập trung quay bánh xe của một số ôtô đồ chơi.

Những hành vi kỳ quặc bất thường như hay tự lắc lư, đung đưa người; tắt và bật đèn liên tục, 

Trẻ có thể ăn những đồ vật bất thường như quần áo, nệm hay màn cửa, thích búng ngón tay trước mắt, thích chui xuống dưới gầm giường, gầm tủ, thích tìm những động tác mạnh trên cơ thể, thích bôi trét phân…

Một số có thể có những kỹ năng vận động đặc biệt ở một số lĩnh vực nhưng bị khiếm khuyết ở những kỹ năng vận động khác như thường đi nhón gót chân, vụng về, hay nhể nước bọt, không biết đạp xe 3 bánh hay lái xe tải đồ chơi.

Trẻ thường rất khó chịu đựng âm nhạc, tiếng động, các loại mặt vải và những thay đổi môi trường sinh hoạt. 

Càng tiếp xúc nhiều với cảm giác, trẻ càng có hành vi phản ứng. Trẻ rất khó chịu khi cắt tóc, không chịu buộc dây an toàn, không chịu được những điều mới lạ như nến sinh nhật hay bong bóng, không cho tắm rửa...

Trẻ dễ nôn ói khi ngửi mùi lạ trong nhà, thích quay những vật trước mặt. Trẻ có vẻ điếc, không giật mình khi nghe tiếng động to, nhưng có lúc lại có vẻ nghe bình thường. 

Trẻ không chịu mặc áo ấm khi ra ngoài trời lạnh, có khi lại đòi mặc áo ấm giữa mùa hè, không cho thay quần áo, có thể xé quần áo của mình, nhất là xé các nhãn hiệu và các đường may.

Bên cạnh đó, trẻ có thể có các hành vi tự gây thương tích như đập đầu, tự cắn mà không biết đau, tự cấu xé và cào xước da, tự bứt cả nắm tóc, không ý thức được các hành động nguy hiểm.

Trẻ còn không sợ độ cao, không nhận ra những tình huống có thể làm bản thân tổn thương.

Đi kèm với bệnh tự kỷ, trẻ sẽ có những bệnh kèm theo như rối loạn tiêu hóa, táo bón hoặc tiêu chảy, thức ăn còn nguyên trong phân... 

Ngoài ra trẻ cũng thường rối loạn giấc ngủ, có vẻ không phân biệt được ngày đêm, gia tăng co giật...

Nếu những dấu hiệu bất thường này được phát hiện, can thiệp sớm có thể giúp trẻ điều chỉnh được hành vi, điều hòa được cảm giác, được rèn luyện các kỹ năng sống giúp trẻ tự lập. Thời điểm can thiệp tốt nhất là từ 18 tháng đến 5 tuổi.

Cuốn sổ còn có những hướng dẫn bác sĩ và phụ huynh cách giúp trẻ tự kỷ thoải mái khi đến khám bệnh... Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, người sáng lập Trường giáo dục chuyên biệt Khai Trí dành cho trẻ tự kỷ tại TP HCM, với sự hỗ trợ của một Việt kiều, cũng đã đứng ra xin phép dịch thuật, tìm nguồn tài trợ để phát hành miễn phí tại Việt Nam.

Vừa qua, gần 1.000 cuốn sách này đã được Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM phát miễn phí xuống các trường mầm non, tiểu học, trường chuyên biệt ở thành phố. Theo bà Nguyễn Thị Vân Anh, Phó ban chỉ đạo khuyết tật, số trẻ mắc bệnh tự kỷ ngày càng tăng nhưng giáo viên, phụ huynh còn ít hiểu biết, chưa phát hiện sớm trẻ bệnh do nguồn tài liệu bằng tiếng Việt còn hạn chế, nên khi được bác sĩ Mẫm hỗ trợ nội dung, Sở đã vận động in ấn để phát hành rộng rãi.