Con trai tôi học lớp 7, tính tình có phần thụ động, nhút nhát và thiếu tự tin. Đầu học kỳ 2, cháu chuyển sang một trường quốc tế để có môi trường học tập tốt hơn và được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa. Học trường mới nên cháu không có bạn, giờ ra chơi chỉ quanh quẩn đọc sách trên thư viện. Mới đây, giáo viên chủ nhiệm thông báo kết quả học tập của cháu giảm sút nhiều làm tôi rất lo lắng.
Ở trường đã vậy, khi về nhà cháu cũng lầm lỳ, ít nói. Cháu hay than chán học và không muốn đến trường nữa vì trên lớp bị cô lập.
Để con thoải mái tư tưởng, tôi luôn động viên rằng bố mẹ không yêu cầu con phải đạt kết quả khá, giỏi mà chỉ mong chăm chỉ học tập phù hợp với khả năng của mình. Ở lớp, cháu thích học các môn như năng khiếu, tin học, địa lý và được cô khen trong các hoạt động ngoại khóa, nhưng những môn còn lại cháu học yếu. Có lần tôi hỏi con về ước mơ, sở thích nghề nghiệp sau này để có hướng phát triển nhưng lần nào cũng vậy, cháu chỉ nói không biết.
Nhiều lần tôi khóc và hỏi con muốn gì, muốn bố mẹ phải làm gì để con vui vẻ học tập trở lại nhưng cháu chẳng nói. Tôi thực sự không biết nên làm gì để tốt cho con trong lúc này. Mong nhận được tư vấn của chuyên gia và bạn đọc - (Thảo)
Trả lời:
Chào chị Thảo,
Đọc bức thư trên tôi thấy chị là một người mẹ tuyệt vời khi hiểu tâm lý con cái cũng như luôn mong muốn những gì tốt đẹp nhất cho con trai mình. Chị hãy tin rằng với tình yêu và sự quan tâm của anh chị, cháu sẽ hiểu và không phụ lòng mong mỏi của cha mẹ.
Trong vai trò một người mẹ, chị đang có những lo lắng về việc học ở trường cũng như sự phát triển tâm lý, tính cách của con. Tuy nhiên, tôi mong chị không nên quá lo lắng, vì làm như vậy, mọi việc đôi khi trở nên nghiêm trọng, khó giải quyết, mặt khác sẽ tạo ra những áp lực vô hình lên con cái.
Trước những băn khoăn và khúc mắc của chị, tôi xin có vài chia sẻ và góp ý nhỏ như sau:
Hiện tại cháu trong tuổi dậy thì nên có những biến đổi về sinh lý cơ thể cũng như tâm lý, tính cách. Chị cần hiểu được những thay đổi ấy để giúp cháu vượt qua khủng hoảng cũng như biết cách giáo dục con trong giai đoạn này. Ở tuổi này, trẻ thường có những biểu hiện lầm lỳ, ít nói, hay cáu gắt, than phiền, thậm chí chống lại người lớn. Để có hướng tác động đúng đắn, chị nên tìm hiểu nguyên nhân việc cháu thụ động, nhút nhát và thiếu tự tin là do những thay đổi của tuổi dạy thì hay từ nhỏ cháu đã có những biểu hiện như vậy. Việc cháu thiếu bạn chơi cộng với kết quả học tập không được tốt có phải là nguyên nhân?
Chắc hẳn chị cũng nghe câu nói “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Nếu sau khi tìm hiểu, chị nhận thấy cháu phát triển bình thường nhưng là người hướng nội, trầm tính, ít nói thì không nên bắt cháu phải thay đổi tính cách thành một người khác. Làm như vậy, cháu càng thấy khó khăn trong giao tiếp và trở nên nhút nhát, rụt rè hơn.
Cháu vừa chuyển sang trường mới chưa lâu nên cần thời gian để thích ứng cũng như làm quen với bạn mới. Con trai chị tính đã nhút nhát, lại chỉ ngồi đọc sách trong thư viện mỗi giờ ra chơi nên bị bạn bè cô lập và gọi là “thằng tự kỷ” là điều khó tránh khỏi. Chị hãy khuyến khích và động viên con dạn dĩ hơn trong việc chủ động làm quen với các bạn, vì ở tuổi này, trẻ có khuynh hướng chọn và chơi theo nhóm. Khi cháu đã thuộc về một nhóm bạn, mọi việc sẽ trở nên đơn giản hơn.
Cũng do không có bạn nên cháu chán học và gặp áp lực khi đến lớp là điều dễ hiểu, bởi ở tuổi này bạn bè có tầm ảnh hưởng lớn đến những sinh hoạt, thậm chí tới những quyết định của trẻ. Với vai trò làm mẹ, chị cần khéo léo, tế nhị để giúp con trong định hướng chọn bạn, cũng như giúp cháu tin tưởng bộc bạch những suy nghĩ và mong muốn của mình để giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Trong học hành, ngoài việc giúp con đầu tư vào các môn thế mạnh, chị cũng nên tìm cách giúp con lấy lại kiến thức căn bản để có thể học đều những môn cháu còn yếu. Giúp con có được sự cân đối trong học tập là việc làm cần thiết vì điểm số thấp cũng là nguyên nhân dẫn đến việc cháu thiếu tự tin và mặc cảm, xấu hổ với bạn bè. Kiến thức lớp 7 là bản lề cho nền tảng kiến thức những năm về sau nên việc tìm giúp cháu một gia sư để bổ túc kiến thức cũng là điều mà chị nên lưu tâm để giúp con có kết quả học tập tốt hơn.
Chị lo lắng khi con trai luôn trả lời không biết mỗi lần được hỏi về sở thích, nghề nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên, đây chưa phải thời điểm thích hợp để trẻ có thể tự đưa ra được định hướng (có chăng còn là sự mơ mộng, không sát với thực tế và năng lực bản thân, đôi khi là ảo tưởng), cũng chưa phải thời điểm để người lớn có những định hướng cho trẻ.
Ở tuổi con của chị, hoạt động chính và chủ đạo là giao lưu kết bạn chứ chưa phải hoạt động học tập và hướng nghiệp như học sinh phổ thông. Do vậy, thay vì lo lắng, chị hãy giúp cháu biết khám phá và phát huy những khả năng bản thân và dần dần có những định hướng để con chị có thể phát triển đúng hướng.
Chị cũng có thể tạo thêm những hoạt động trong gia đình và kêu gọi sự tham gia của con trai vì đó cũng là cách giúp cháu thể hiện vai trò và trách nhiệm của mình. Gợi ý cháu mời bạn bè về nhà để cháu tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp cũng như biết cách duy trì các mối quan hệ bạn bè lành mạnh.
Những lớp kỹ năng sống hoặc các dịp hội trại, dã ngoại trong dịp hè cũng là gợi ý cho chị để giúp cháu có thêm những người bạn mới cũng như trở nên tự tin và mạnh dạn hơn. Chị nên trao đổi với thầy cô ở trường để nhận được sự giúp đỡ khi cần thiết. Nhờ thầy cô chủ nhiệm có những tác động kịp thời, khéo léo để ngăn chặn việc cô lập con trai chị và gọi cháu bằng những danh xưng thiếu thiện chí.
Hy vọng những chia sẻ trên giúp chị an tâm và tự tin hơn trong vai trò làm cha mẹ, đồng thời có những định hướng sát thực nhằm giúp con phát triển một cách cân đối và toàn diện.
Thân mến,
Chuyên viên tâm lý Phạm Sỹ
Trung tâm tư vấn Nhịp Cầu Hạnh Phúc