Khảo sát do tiến sĩ Terisa Gabrielsen, Trung tâm Nghiên cứu Bệnh Tự kỷ, Bệnh viện Nhi Philadelphia, Mỹ thực hiện. 3 nhóm trẻ 15-33 tháng tuổi được chọn để đánh giá. Trong đó, nhóm thứ nhất gồm những trẻ có biểu hiện sớm của bệnh tự kỷ, nhóm thứ 2 nghi ngờ chậm phát triển ngôn ngữ và nhóm thứ 3 là các bé đã có những dấu hiệu đặc trưng của bệnh. Hiện tại, thời gian trung bình cho một buổi làm việc giữa chuyên gia và trẻ là 10 phút.
Theo Medsacpe news, tham gia nghiên cứu, các chuyên gia tâm lý được cho xem nhiều đoạn video có thời lượng 10 phút quay các nhóm trẻ này. Dĩ nhiên họ không được biết trẻ trong đoạn băng thuộc nhóm nào. Sau khi xem xong, họ sẽ được hỏi ý kiến xem trẻ trong đoạn băng đó có nghi ngờ bị tự kỷ hay không.
Kết quả cho thấy, có đến 39% các chuyên gia không đúng khi đánh giá về trẻ thuộc nhóm có biểu hiện sớm của bệnh. Con số này ở nhóm thứ 2 là 5% và ở nhóm thứ 3 là 11%.
Theo tiến sĩ Gabrielsen thì ở giai đoạn sớm của bệnh tự kỷ, trẻ thường thể hiện một số hành vi không điển hình nhưng nhiều chuyên gia lại coi những hành vi này khá điển hình. Vì thế, nếu chỉ dành vài phút tiếp xúc với trẻ thì sẽ có nhiều khả năng trẻ dễ bị chẩn đoán sót.
"Quy trình chẩn đoán trẻ tự kỷ thực sự phức tạp, và khoảng thời gian 10 phút này thực sự ngắn ngủi", tiến sĩ Gabrielsen nói.
Không được chẩn đoán sớm bệnh, trẻ sẽ không được can thiệp kịp thời. Như thế ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển cũng như sự hòa nhập của trẻ sau này.
Tự kỷ là một chứng bệnh được gây ra bởi những vấn đề trong hoạt động chức năng của hệ thần kinh trung ương (não bộ) ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ. Các triệu chứng của tự kỷ thường xuất hiện trong 3 năm đầu tiên của cuộc đời biểu hiện qua sự suy giảm trên các lĩnh vực như tương tác xã hội; giao tiếp và ngôn ngữ; hứng thú bị thu hẹp và hành vi định hình.
Phương Trang