Máy chiếu phim gia đình Optoma HD72, giá 3.250 USD. (It918) |
Một TV mỏng màn hình lớn tầm 50" trở lên là mơ ước của nhiều người. Tuy nhiên, hiện nay những TV màn hình lớn, chất lượng cao lại hợp túi tiền vẫn chưa nhiều. Đó là lý do người dùng đam mê môn nghệ thuật thứ bảy muốn tìm đến một loại hình thiết bị hiển thị không hẳn là TV, máy chiếu phim gia đình - video projector. Máy chiếu phim chẳng những cho khung hình lớn nhất hiện nay, tới 300", mà còn cho chúng ta cảm giác như xem phim ngoài rạp bởi hình ảnh khổng lồ và định dạng rộng.
Phân loại
Hiện có các công nghệ phổ biến hiện nay là công nghệ tinh thể lỏng LCD, xử lý ánh sáng số DLP và LCoS với công nghệ biến thể như SXRD của Sony. Các chip này sẽ được chiếu sáng bởi các bóng đèn công suất cao và nhờ một hệ thống ống kính để phóng to hình lên trên màn hình tráng bạc. DLP cho màu đen sâu và giá cả hấp dẫn nhưng gặp hiện tượng "cầu vồng".
Trong khi đó, LCD cải thiện được hiệu ứng cầu vồng cho khoảng dịch thấu kính rộng hơn (đến 2x) nhưng thường mắc phải hiện tượng cửa sổ màn hình, còn công nghệ SXRD cho độ phân giải cao hoàn toàn nhưng tầm giá vẫn còn khá chảnh. Tuy nhiên, ngày nay, với nỗ lực không ngừng cải tiến công nghệ của các hãng sản xuất, ranh giới giữa LCD và DLP ngày càng khó phân biệt, cả về bộ thông số và chất lượng hiển thị.
Độ sáng
Độ sáng của máy chiếu thường tính bằng ANSI lumen. Đối với máy chiếu phim tại gia, độ sáng thông thường cần 700-2.000 lumen hoặc cao hơn. Môi trường xem là yếu tố chính quyết định giá trị của thông số này. Nói chung các rạp phim tại gia dành riêng (phòng điều chỉnh được ánh sáng và không hề có ánh sáng bên ngoài) sẽ không yêu cầu máy chiếu phải có độ sáng cao bằng các phòng quá sáng với nhiều cửa sổ hay đèn.
Đối với các phòng chiếu phim dành riêng, độ sáng 700 lumen trở lên là đủ. Tuy nhiên, với phòng có đèn, độ sáng tối thiểu phải đạt 900 lumen và nếu xem phim trong không gian có độ sáng cao thì độ sáng của máy chiếu cần thiết là 2.500 lumen.
Lưu ý, nhiều trường hợp, nhà sản xuất chỉ đưa ra độ sáng dành cho hiển thị văn bản, số liệu, chứ không phải là độ sáng ở chế độ chiếu phim và độ sáng dành cho chiếu phim thường không cao bằng hiển thị dữ liệu.
Độ phân giải và chất lượng hình ảnh
Bên cạnh chất lượng nguồn tín hiệu và độ sáng, độ phân giải là một trong ba thông số chính quyết định chất lượng hình ảnh. Hiện tại, có các mức độ phân giải phổ biến sau: WVGA (854 x 480); WSVGA (960 x 540); WXGA-H (1.280 x 720) và WXGA (1.366x 768 pixel).
Các định dạng WXGA-H (1.280 x 720) và XGA (1.024 x 720 pixel) cho màn hình tỷ lệ 4:3 là những độ phân giải được khuyến nghị người dùng nên chọn vì hứa hẹn tiếp nhận tốt các thước video độ nét cao, HDTV. Còn nếu bạn chỉ cần xem phim với đĩa DVD và không quan tâm đến các nguồn HDTV của tương lai, các máy chiếu có độ phân giải WVGA là những phương án phù hợp.
Nguồn tín hiệu cũng tạo ra sự sai khác lớn trong chất lượng hiển thị. Một tín hiệu video chất lượng thấp khi được chiếu lên trên màn hình lớn các khiếm khuyết các thể hiện rõ hơn. Do đó, tốt nhất là bạn nên cố gắng kết hợp độ phân giải của máy chiếu với độ phân giải của nguồn hình cần hiển thị. Một đầu DVD với công nghệ quét liên tục (Progressive Scan) là lựa chọn điển hình cho các tín hiệu hình ảnh 480p, chứ không phải là các tín hiệu HDTV 720p hay 1080i, mặc dù các định dạng video này không phải là hiếm. Một số máy chiếu còn có công nghệ bù tỷ lệ, để cải thiện chất lượng hiển thị cho các tín hiệu không tương đồng về độ phân giải.
Độ sáng đồng đều cũng là một yếu tố không nhỏ để có hình ảnh đẹp trọn vẹn. Độ đồng nhất được tính theo phần trăm của độ sáng từ góc này đến góc kia và từ cạnh này đến cạnh kia của hình ảnh trên màn hình. Máy chiếu sẽ đạt yêu cầu nếu có độ sáng đồng đều từ 85% trở lên.
Kết nối
Kết nối và độ tương thích là hai nhân tố quyết định đến độ trong trẻo, sắc nét của hình ảnh. Các máy chiếu phim gia đình thường được thiết kế với nhiều cổng video, vi chip xử lý hình ảnh cho từng cổng và nhiều tính năng khác.
Khi mua máy chiếu phim, người dùng nên chọn máy có ít nhất một cổng component video. Đôi khi, cổng component video trông khá giống cổng composite video, nhưng cổng này thường được nhận biết bằng ba cổng liền nhau với ba màu cơ bản để phân biệt. Bạn cũng có thể nhận một tín hiệu component qua đầu vào VGA. Sau DVI và HDMI, component video là cổng cho chất lượng cao khá phổ biến hiện nay.
Nếu định để bàn, cần chọn máy chiếu có ngoại hình bắt mắt. Trong hình là máy chiếu phim Epson Dreamio TW20. (Cnet) |
Gần như tất cả các máy chiếu đều có ít nhất một cổng composite và S-video. Cáp S-video khác cáp composite là nó tách tín hiệu ra làm hai thành phần độ chói và màu sắc. Do đó, có thể coi S-video là loại hình cải tiến của composite video. Tuy nhiên, composite lại là loại cổng tiện dụng nên vẫn được duy trì trong các máy chiếu hiện nay.
DVI và HDMI là hai loại cổng mới nhất dành cho kết nối các nguồn độ nét cao (HD - High Definition). Cả hai cùng giúp thể hiện trung thực các tín hiệu độ nét cao nhưng có vài điểm sai khác. HDMI nhỏ hơn và cho phép truyền dẫn cả tín hiệu tiếng - audio. Đây là những lựa chọn cần thiết để truyền tải các nội dung video tiên tiến của tương lai, nên ngày càng nhiều hãng sản xuất máy chiếu, đầu DVD và bộ thu HDTV trang bị.
Đèn chiếu
Các máy chiếu LCD và DLP phổ biến hiện nay, thường có đèn chiếu có tuổi thọ từ 2.000-4.000 giờ. Tuổi thọ này chỉ đạt được khi người dùng sử dụng bóng ở một nửa công suất hay một nửa độ sáng tối đa. Sau thời gian này, độ sáng của đèn sẽ giảm đi khiến cho chất lượng hình ảnh cũng suy giảm. Do đó, tuổi thọ đèn càng cao thì chi phí cho việc thay thế đèn chiếu sẽ ít đi.
Nếu bạn có ý định sắm một máy chiếu phim để thay thế cho chiếc TV, chi phí thay thế đèn chiếu định kỳ là một khoản phí phát sinh mà bạn cần phải biết đến. Mỗi lần thay đèn chiếu sẽ tốn kém khoảng 200-400 USD.
Nếu bạn sử dụng máy chiếu chỉ để thỉnh thoảng chiếu phim và xem những sự kiện đặc biệt. Tuổi thọ đèn chiếu không phải là thông số quan trọng. Nhưng phí thay đèn chiếu vẫn là chi phí bạn cần phải biết tới. Trung bình, các gia đình thường chạy máy chiếu khoảng 8 tiếng/tuần, ở tốc độ này, người dùng có thể thoải mái chiếu phim trong vòng 4,8 năm mới phải thay bóng. Ổn định nguồn và vận hành máy đúng cách cũng góp phần làm gia tăng tuổi thọ bóng.
Lưu ý: Khi mua đèn chiếu mới cho máy chiếu, bạn nên cho máy chạy liền vài giờ và bảo quản ở chỗ tối và mát. Các hãng thường bảo hành đèn chiếu và máy chiếu từ ngày mua hàng chứ không bảo hành từ ngày sử dụng. Do đó bạn nên nhanh chóng chạy thử bởi các bóng lỗi thường thể hiện ngay nhược điểm chỉ trong 4-10 giờ đầu tiên khi bắt đầu làm việc.
Menu
Khi chọn máy chiếu, người mua cũng nên để ý tới menu điều khiển phải có cách trình bày dễ hiểu, tiện dụng, thân thiện với người dùng. Đặc biệt là phải cho phép dễ dàng điều chỉnh độ chính xác của màu sắc giữa truyền hình quảng bá tiêu chuẩn SDTV và truyền hình độ nét cao HDTV và dễ dàng khi chuyển nguồn video. Chiếc điều khiển từ xa phải đầy đủ tính năng. Tuy nhiên, nói chung dù có tính năng đặc biệt hay không, các remote dành cho máy chiếu hiện nay đều đạt tiêu chí rất dễ sử dụng.
Lắp đặt
Có hai phương án định vị máy chiếu là treo trần và để bàn và mỗi cách có ưu điểm riêng. Treo trần trông lịch sự hơn, giữ máy an toàn, cố định và tiết kiệm thời gian mỗi khi sử dụng. Tuy nhiên, cách này hiển nhiên thiếu cơ động.
Trong khi đó, với các máy chiếu nhỏ hơn 9 kg, phương án để bàn giúp bạn di chuyển máy dễ dàng. Điều này có nghĩa bạn có thể mang máy chiếu từ nhà mình đến nhà bạn bè hoặc người thân hoặc ngoài trời để trình chiếu. Nếu định để bàn, bạn sẽ phải quan tâm hơn đến độ ồn của máy. Tiếng ồn dưới 32dB đảm bảo quạt làm việc chỉ ở mức thì thầm. Ngoại hình cũng là một nhân tố không thể bỏ qua vì nó nằm trong tầm ngắm của các khán giả.
Lưu ý: Với phương án treo tường, bạn cần cân đối diện tích căn phòng, đặt hàng giá đỡ, xác định khoảng cách từ máy tới màn chiếu và đảm bảo việc thông hơi thuận tiện, dễ dàng. Với cách để bàn, lưu ý tiếng ồn của quạt dưới 32 dB, ngoại hình máy chiếu và khoảng cách đặt máy chiếu. Cả hai cũng cần quan tâm đến khoảng dịch thấu kính và độ zoom ống kính. Ngoài ra, cần mua máy chiếu trước khi mua màn hình và khi lắp đặt cũng vậy. Bạn có thể định vị máy chiếu, chạy thử rồi mới quyết định vị trí treo màn chiếu cho phù hợp.
Tỷ lệ cạnh khung hình
Vì máy chiếu là một thiết bị hiển thị có một độ phân giải cố định, thường được gọi là độ phân giải tự nhiên và hầu hết nhìn vào độ phân giải này ta biết được máy chiếu này thuộc tỷ lệ cạnh truyền thống 4:3, 5:4 hay màn ảnh rộng 16:9. Điều này có nghĩa là chip xử lý bên trong máy cũng đã được chỉ định cho một trong các tỷ lệ cạnh phổ biến đó. Phổ biến nhất vẫn là tỷ lệ truyền thống 4:3, đang sử dụng rộng rãi cả trong thế giới máy thu hình và màn hình máy tính.
DV10 - Máy chiếu phim tích hợp đầu DVD của Optoma. (Pcworld) |
Tỷ lệ 16:9 chủ yếu được thiết kế dành cho các dàn home theater. Đó là vì hai ứng dụng trình chiếu của chúng chủ yếu là DVD và HDTV đu có định dạng màn ảnh rộng. Các fan của môn nghệ thuật thứ bảy sẽ chuộng tỷ lệ 16:9 vì nó gần với định dạng film gốc 35 mm hơn. Các máy chiếu tỷ lệ 4:3 vẫn có thể hiển thị các tín hiệu 16:9 nhưng không phải là lựa chọn tốt nhất cho các rạp xi-nê tại gia.
Trong khi nhiều máy chỉ được mặc định một tỷ lệ cạnh duy nhất hoặc 4:3 hoặc 16:9, còn có một chủng loại máy ngày càng nhiều là loại đa tỷ lệ. Tuy nhiên, khi hiển thị các tín hiệu không phải là sở trường, sẽ xuất hiện các dải màu đen ở trên và dưới (4:3 hiển thị phim màn ảnh rộng) hoặc hai bên (16:9 hiển thị hình 4:3).
Tóm lại, những thông số chính mà người mua máy chiếu phim cần lưu ý là: độ phân giải cao, độ sáng phù hợp, tương phản cao, tuổi thọ đèn chiếu dài, đa tỷ lệ cạnh khung hình, có chế độ chia hình PIP hoặc POP, chế độ "cinema mode" để hình nét hơn màu sắc thật hơn, quạt làm việc êm ả, cổng DVI hỗ trợ bảo vệ nội dung HDCP hoặc HDMI, remote có đèn nền, dịch thấu kính linh hoạt và lắp đặt dễ dàng, hỗ trợ progressive scan và bù tỷ lệ.
Duy Tiến tổng hợp