Tivi máy chiếu sau, 67" công nghệ DLP của Samsung. |
Trong những năm gần đây, chúng ta thường nghe nói rất nhiều về công nghệ DLP (Digital Light Processing) hệ thống cách mạng về xử lý hình ảnh kỹ thuật số, do hãng Texas Instruments phát minh. Công nghệ DLP làm thay đổi quan niệm về xử lý hình ảnh trên màn hình lớn.
Christie Digital Systems đã trở thành một trong các hãng đầu tiên đánh giá được tiềm năng to lớn của công nghệ DLP. Hiện nay hãng là nhà cung cấp hàng đầu các hệ thống trang thiết bị và giải pháp trên cơ sở DLP dành cho HDTV, Digital Cinema, các trung tâm điều khiển lớn, các phòng họp, cũng như dành cho các thị trường đặc biệt như những mô hình ảo ba chiều chẳng hạn.
Nguồn gốc hình ảnh kỹ thuật số bắt đầu từ lúc người ta nghiên cứu chế tạo thiết bị có liên kết điện tích (ma trận nhạy sáng bán dẫn). Thiết bị được hải quân Mỹ và RCA (Radio Corporation of America) chế tạo vào cuối những năm 60. Đây là những bước đi đầu tiên của hình ảnh kỹ thuật số. Bước tiếp theo ứng dụng liên kết điện tích vào việc sử dụng trong các máy quay camera và máy ảnh đã đánh dấu chấm hết của bóng đèn điện tử. 10 năm sau, đã xuất hiện máy tính cá nhân, các thiết bị kỹ thuật số ngày càng được ứng dụng rộng rãi hơn. Bộ nhớ và tốc độ truyền thông tin không ngừng tăng lên với sự có mặt của các công nghệ mới.
Năm 1986 một máy tính được coi là xịn khi có tốc độ 8 MHz và ổ cứng dung lượng 10 MB! Tất cả thay đổi đến chóng mặt, hiện nay một máy tính bình thường cũng có bộ nhớ 30-40 GB với tốc độ của bộ xử lý 2 GHz. Giá thành video card (carb màn hình) cũng như các thiết bị đọc và ghi DVD giảm rất nhanh. Nhờ sử dụng các cổng giao tiếp hiện đại như USB, FireWire và Fire Channel, bây giờ người ta rất dễ dàng chuyển đổi sang máy tính và các thiết bị nhớ khác, sau đó truyền qua mạng Internet đến bất kỳ đâu trên thế giới nếu muốn.
Những thay đổi to lớn này đã tạo ra cuộc cách mạng thực sự trong ngành công nghiệp truyền, trao đổi thông tin. Việc sản xuất phim truyện đã tạo bước nhảy vọt trong lĩnh vực sử dụng công nghệ số để xử lý hình ảnh trên phim 35 mm. Một số phim được quay với việc sử dụng các chuẩn số độ phân giải cao, một trong số đó là phim Stars War Episode II.
Sơ đồ nguyên lý của máy chiếu DLP. |
Và từ đó đến nay, cuộc cách mạng số hoá mang tính toàn cầu vẫn đang diễn ra rất nhanh trong lĩnh vực truyền thông. Với sự phát triển công nghệ hiện đại có thể nhận thấy tính cần thiết có kênh liên lạc kỹ thuật số để truyền tín hiệu từ nguồn đến màn hình. Vấn đề là công nghệ nào thích hợp nhất cho việc tạo hình ảnh trên màn hình?
Trong suốt nhiều năm công nghệ hình ảnh phổ biến nhất là bóng đèn hình điện tử (kinesope), lần đầu tiên xuất hiện từ cuối thế kỷ 19. Nó bắt đầu ứng dụng cho tivi từ những năm 30 của thế kỷ 20. Trong nhiều chục năm kinescope có nhiều thay đổi đáng kể. Và dù công nghệ này cho phép tạo dựng hình ảnh độ phân giải cao, nhưng nó lại bị giới hạn vì nhiều mặt khác.
*Cuộc chiến giữa Plasma và DLP |
Bước ngoặt trong công nghệ tái hiện hình ảnh là sự xuất hiện của màn hình mỏng LCD màn hình tinh thể lỏng được ứng dụng rộng rãi trong các hệ thống chiếu khác nhau. Nhưng đó còn chưa phải là giới hạn của công nghệ chiếu kỹ thuật số. Nhu cầu đèn chiếu với ma trận phẳng ngày càng lớn, bắt đầu là loại máy chiếu dành cho trình diễn điện tử qua máy tính (sau đó là máy tính xách tay) kết nối với máy chiếu.
Sự trợ giúp của các chương trình như PowerPoint, của thẻ nhớ PCMCIA, CD-ROM và cả mạng LAN càng khiến nhu cầu đối với các hệ thống chiếu tăng nhanh. Và đây là thời điểm bùng nổ về đèn chiếu tính thể lỏng thế hệ mới với công nghệ ma trận phẳng, thay thế các đèn chiếu chùm tia trước kia trong rạp chiếu phim, trong các buổi hoà nhạc mà đỉnh cao là đèn chiếu DLP (Digital Light Processing).
Công nghệ DLP được tiến sỹ Homebeck của Texas Instruments phát minh vào năm 1987. Khởi đầu công nghệ DLP xuất hiện như một thành phần tạo ra hình ảnh trong máy in Laser. Nhưng DLP có tiềm năng lớn hơn thế nhiều. Đến năm 1996 hãng Christie Digital giới thiệu chiếc máy chiếu DLP 3 chip đầu tiên với tên gọi VistaPro.
Đèn chiếu LCD (Liquid Crystal Display Màn hình tinh thể lỏng) thường có ba lớp tinh thể riêng biệt (ma trận) để truyền tín hiệu video màu đỏ, xanh lá cây và xanh lơ. Theo mức truyền màu sắc qua LCD panel, các pixel (điểm ảnh) được mở ra cho ánh sáng đi qua, hay đóng lại để ngăn ánh sáng. Như vậy, bằng cơ chế điều tiết lượng ánh sáng, sẽ tạo thành hình ảnh được chiếu lên màn hình.
DLP khác với công nghệ LCD, với ánh sáng truyền qua panel tinh thể (Digital Micromirrror Devices), mạch điện tử (chip) DLP là bề mặt phản quang gồm hàng nghìn mặt gương cực nhỏ, mỗi một gương tương đương với 1 pixel, ánh sáng từ đèn chiếu sẽ hướng tới bề mặt DLP-chip. Trong các đèn chiếu đắt nhất hiện nay với công nghệ DLP thì có đến 3 DLP-chip riêng biệt cho ánh sáng đỏ, xanh lá cây và xanh nước biển.
Còn thông thường để giảm giá thành, các đèn chiếu DLP thường chỉ có 1 chip DLP, màu sắc được tạo thành nhờ tấm kính lọc màu quay giữa đèn và DLP chip để thay đổi màu sắc của chùm ánh sáng lên chíp, từ màu đỏ sang xanh lá cây hoặc xanh nước biển Các gương quay hướng ánh sáng lên chip hay không lên chip tuỳ thuộc màu cụ thể cần thiết cho mỗi pixel trong thời điểm đó.
Công nghệ LCD đảm bảo độ bão hoà màu với màu sắc tốt nhất. Trong phần lớn đèn chiếu DLP với 1 chip, tấm lọc màu ngoài mảng đỏ, xanh lá cây và xanh nước biển ra còn có mảng trong suốt (trắng) để tăng cường độ sáng. Điều này khiến độ bão hoà màu sắc giảm, khiến hình ảnh kém sống động và không sâu. Tuy nhiên, một số đèn chiếu DLP có bộ lọc tới 6 mảng màu, giảm mảng trắng giúp hình ảnh sâu hơn. Một loạt các mẫu đèn chiếu DLP mới nhất có lọc trắng cho phép nhận được hình ảnh sáng và rực rỡ.
Tivi máy chiếu sau, công nghệ DLP của LG. |
Trong một hai năm gần đây công nghệ DLP đã có những bước tiến vượt bậc về cải thiện độ bão hoà màu và độ chính xác truyền màu sắc. Công nghệ DLP có một loạt ưu điểm vượt trội. Trước tiên là kích thước không lớn, tiếp đó là khả năng cho hình ảnh với độ tương phản đều, ít bị hạt. Với độ phân giải XGA và cao hơn, công nghệ DLP đảm bảo hình ảnh hoàn toàn không bị hạt khi xem từ khoảng cách bình thường, hơn hẳn máy chiếu LCD.
Với sự hoàn thiện rất nhanh của công nghệ DLP, thời điểm xuất hiện tivi DLP chỉ còn là vấn đề thời gian. Và mới đây, một trong những thế hệ tivi mới nhất vừa được tung ra thị trường thế giới với những quảng cáo rầm rộ về áp dụng công nghệ DLP đã thực sự cuốn hút sự chú ý của người tiêu dùng. Theo nguyên tắc hoạt động, tivi màn phóng được chia thành các dạng sau: sử dụng với bóng hình (CRT), với ma trận LCD và với các gương cực nhỏ (DLP).
CRT: Trong các tivi màn phóng sử dụng đèn hình CRT, hình ảnh từ bóng hình qua hệ thống quang học và gương truyền đến màn hình. Thường tivi hoạt động với tần số quét 50 Hz và 100 Hz, trong đó các mẫu tivi 100 Hz cho hình ảnh với màu sắc tự nhiên, nét hơn ổn định hơn - ưu điểm rất quan trọng khi xem phim trên màn hình lớn. Trong số các nhược điểm của tivi CRT là độ sáng hình ảnh không cao, bị phai màu ảnh động khi xem lâu. So với tivi LCD và plasma, tivi CRT có ưu điểm là với cùng kích thước màn hình lớn thì tivi CRT có giá thành thấp hơn nhiều, tuy nhiên nó lại cồng kềnh hơn và nặng nề hơn.
LCD: Loại tivi đèn chiếu LCD có 3 ma trận màu RGB hoặc 1 ma trận 3 màu, hình ảnh từ đó chiếu lên màn hình qua hệ thống quang học, ánh sáng được tạo thành nhờ đèn chiếu cực mạnh. Nhược điểm của LCD là truyền màu sắc không lý tưởng và hình ảnh động hay bị vệt mờ, góc xem không rộng. Ưu điểm là giá thành không quá cao, màn hình rực rỡ, kích thước không lớn, độ phân giải cao.
DLP: Hiện đại với vi mạch điện tử - DMD chip, bên trong có các gương cực nhot, mỗi gương tạo nên 1 điểm ảnh trong vị trí xác định của màn hình. Tivi DLP có từ 1-3 DMD chip, là loại tivi có độ tương phản cao, hình ảnh trung thực, độ sáng cao và hình ảnh sắc nét. Tivi DLP hoàn toàn có thể sánh ngang ngửa với tivi LCD và thậm chí là plasma, trong khi giá thành của nó chỉ bằng một nửa so với màn hình plasma. Chất lượng tương đương, giá thành chỉ bằng một nửa, đó chính là yếu tố quyết định bảo đảm thành công của tivi DLP trên thị trường.
(Theo Nghe Nhìn)