Minolta Dimage 7Hi. |
Chuyến du lịch ngược dòng lịch sử cuộc đua của các đại gia trên thị trường máy ảnh siêu zoom đang dừng lại ở năm 2002, thời điểm Nikon tung ra Coolpix 5700.
Tháng 9/2002, Minolta mở rộng dòng máy Dimage bằng việc cho ra đời Dimage 7Hi, dựa trên những thay đổi ở máy 7i năm 2001. Phiên bản 7Hi có cảm biến ảnh 5 triệu điểm, cho phép người sử dụng lưu trữ ở định dạng ảnh mới (Extra fine JPEG) và nhiều điểm cải tiến so với 7i ở các tính năng tốc độ chụp, cân bằng trắng và dải màu.
Gần như đồng thời, Olympus tiếp tục mở rộng dòng Camedia siêu zoom với sự ra đời của C-730. Máy sử dụng cảm biến 3 Megapixel, nhưng độ zoom quang học lên tới 10x. Ngoài ra, Olympus còn cho ra mắt giải pháp lưu trữ mới, cho phép lưu trữ ảnh trên cả thẻ nhớ xD-Picture và SmartMedia.
Olympus C-730. |
Năm 2002, thị trường máy ảnh bán chuyên siêu zoom còn chào đón sự tham gia của một đại gia nữa là Panasonic. Ngày 9/10 năm đó, gã khổng lồ Nhật Bản này giới thiệu máy ảnh độ zoom 12x thuộc dòng Lumix - DMC-LZ1 - với cảm biến ảnh 2 Megapixel. Đây cũng là nhà sản xuất đầu tiên tái sử dụng hệ thống ổn định hình ảnh của ống kính Leica. DMC-LZ1 cũng tương thích với 2 loại thẻ nhớ: xD-Picture và MMC.
Năm 2003, Olympus tiếp tục mở rộng dòng máy Camedia siêu zoom bằng việc tung ra các phiên bản C-740 và C-750, với độ phân giải lần lượt là 3,18 và 4 Megapixel. C-750 còn có thêm chế độ quay video kèm âm thanh mono.
Mùa hè năm đó, một tên tuổi khác của xứ sở hoa anh đào, Fujifilm, tung ra máy ảnh độ zoom 10x là FinePix S5000. Máy có cảm biến ảnh 3,1 triệu điểm và có thể lưu trữ ở định dạng ảnh RAW.
FinePix S500 của Fujifilm. |
Minolta vẫn kiên trì theo đuổi hành trình chinh phục độ zoom bằng việc cho ra đời máy ảnh Dimage Z1 vào tháng 8 cùng năm. Điểm khiến cho phiên bản này khác biệt với các máy ảnh khác không phải là các tính năng đặc biệt, cảm biến, ống kính hay tốc độ, mà là kiểu dáng trông rất "oai phong lẫm liệt" lấy cảm hứng từ thiết kế của một máy ảnh cơ từ năm 1968.
Có vẻ như 2003 là năm của Minolta, bởi vì ngay trong tháng đó, hãng lại tiếp tục tung ra Dimage A1. Đây không phải là phiên bản nâng cấp của bất kỳ máy ảnh nào trước đó, mà là sản phẩm hoàn toàn mới. Dimage A1 được trang bị cảm biến ảnh 5 Megapixel, hai chế độ chụp cận cảnh, chế độ lấy nét dò tìm đối tượng và được ứng dụng công nghệ chống rung Anti-Shake.
Cho đến lúc này, lần đầu tiên một đối thủ từ Mỹ mới sẵn sàng tham chiến, đó là HP. Sản phẩm siêu zoom đầu tiên của hãng là Photosmart 945 với cảm biến ảnh 5 Megapixel và độ zoom 8x. Một trong những tính năng nổi bật nhất của máy là công nghệ bù sáng tự động Adaptive Lighting, cho phép điều chỉnh độ sáng trong những vùng ảnh tối, tương tự như chế độ cưỡng bức của đèn flash.
Photosmart 945. |
Panasonic tiếp tục mở rộng dòng máy DMC-FZ với việc bán ra FZ2 với những thay đổi đáng kể so với phiên bản FZ1. Độ mở f2,8 của ống kính có thể áp dụng trên toàn dải tiêu cự. Máy có chế độ chụp ưu tiên độ mở ống kính, ưu tiên tốc độ chụp, điều chỉnh cân bằng trắng và điều chỉnh bão hòa màu. Đáng tiếc là máy dùng cảm biến ảnh 2 Megapixel như phiên bản "tiền bối" FZ1.
F828 của Sony. |
Sony, kẻ khởi đầu cuộc chạy đua marathon chưa thấy điểm dừng, đã quay trở lại với DSC-F828, phiên bản có cảm biến ảnh thế hệ mới nhất khi đó với độ phân giải 8 triệu điểm và ống kính độ zoom 7x. Ngoài kiểu dáng độc đáo, ống kính chuyển động một góc rộng theo chiều thẳng đứng (lên trên 70o và xoay xuống dưới 30o so với thân máy), F828 còn sử dụng một loại cảm biến ánh sáng hoàn toàn mới, được gắn kèm theo kính lọc màu được chế tạo từ ngọc lục bảo.
Sau Fujifilm, lại thêm một nhà sản xuất nữa nhảy vào thị trường máy ảnh siêu zoom: Kodak. Tay cao bồi Mỹ thứ thiệt này trình làng bằng máy DX6490, trang bị cảm biến ảnh 4 Megapixel và ống kính độ zoom 10x.
Nikon Coolpix 8700. |
Đúng một năm sau ngày tham gia thị trường máy ảnh siêu zoom, tháng 10/2003, Panasonic tung ra DMC-FZ10, 4 Megapixel, độ zoom 12x có hệ thống ổn định hình ảnh quang học đầu tiên. Ống kính Leica của máy cũng có độ mở f2,8 trên toàn bộ dải tiêu cự 35-420 mm (tính theo máy dùng phim 35 mm), một tính năng độc nhất vô nhị trong dòng máy ảnh siêu zoom hồi đó.
Panasonic DMC-FZ10. |
Tháng 1/2004, Nikon giới thiệu Coolpix 8700, máy ảnh thứ hai, sau Sony DSC-F828, có cảm biến ảnh 8 Megapixel. Ngoài những thay đổi ở kiểu dáng so với Coolpix 5700, phiên bản này còn có đèn trợ sáng lấy nét, bộ phận mà phiên bản trước không có.
Sau một thời gian vắng bóng, Canon xuất hiện trở lại với PowerShot S1 IS, phiên bản cải tiến của Pro90 IS. Máy dùng cảm biến ảnh 3,1 Megapixel và ống kính độ zoom 10x được trang bị hệ thống ổn định hình ảnh quang học. Ngoài chế độ chỉnh tay hoàn toàn, PowerShot S1 IS còn nổi trội hơn các máy ảnh khác nhờ màn hình LCD có thể gấp lại và xoay tròn quanh khớp, giúp đa dạng góc chụp.
Olympus C-770. |
Cùng thời gian, Olympus giới thiệu C-770, máy ảnh có cảm biến 4 Megapixel và ống kính độ zoom 10x, nâng cấp từ C-765.
Năm 2004 chứng kiến sự kết hợp giữa Konica với Minolta. Ngay sau khi sáp nhập, Konica Minolta tung ra Dimage Z2, cũng có độ zoom 10x như Z1, nhưng dùng cảm biến 4 Megapixel. phiên bản này có đặc tính mới là ống zoom sử dụng được khi quay video. Một điểm cải tiến nữa là khe cắm đèn flash ngoài. Ngay sau đó, hãng lại giới thiệu Dimage A2, phiên bản có độ zoom 7x tương tự đàn anh Dimage A1, nhưng độ phân giải của cảm biến ảnh được nâng lên 8 Megapixel, so với 5 Megapixel của A1.
Tháng 7/2004, Panasonic DMC-FZ3 ra đời, với độ zoom 12x và cảm biến ảnh 3 Megapixel, và rồi đến DMC-FZ20, zoom 12x và cảm biến ảnh 5 Megapixel cùng hệ thống chống rung cải tiến. Ngay lập tức, Konica Minolta tung ra Dimage Z3, cũng có độ zoom 12x như hai sản phẩm của Panasonic nói trên song dùng cảm biến ảnh 3,9 triệu điểm ảnh. Tháng 9, hãng tung ra A200, phiên bản có tính năng tương tự như A2 song khối lượng nhẹ hơn.
Tới tháng 9, Nikon ra mắt Coolpix 8800, zoom 10x, cảm biến 8 triệu điểm ảnh và là máy ảnh đầu tiên của hãng ứng dụng công nghệ ổn định hình ảnh.
Konica Minolta Dimage Z20. |
Dimage Z5, được giới thiệu tháng 1 năm nay, có thể coi là phiên bản hoàn toàn mới thuộc dòng Z của Konica Minolta. Cuộc cách mạng trong công nghệ chế tạo máy ảnh số thể hiện rất rõ ở phiên bản này. Máy có cảm biến ảnh 5 Megapixel, ống kính zoom 12 và hệ thống ổn định hình ảnh. Hãng cũng giới thiệu Dimage Z20, máy ảnh có độ zoom 8x dành cho những người có thu nhập trung bình.
Sau đó, Panasonic mở rộng danh mục máy ảnh siêu zoom của mình với DMC-FZ4 và DMC-FZ5, hai phiên bản không có một thay đổi nào mang tính đột phá so với các máy FZ đã ra đời trước. Tháng 2, Kodak cho ra lò Z7590, độ zoom 10x và một số tính năng tiêu chuẩn.
Kodak Z7590. |
Sau đó vài ngày, Sony giới thiệu Cyber-shot DSC-H1, máy ảnh có độ zoom 12x, cảm biến 5 triệu điểm ảnh và hệ thống ổn định hình ảnh quang học. Những tính năng của DSC-H1 (trừ cảm biến 5 "chấm"), gợi cho người ta nhớ lại dòng máy Mavica của Sony, với hai phiên bản đầu tiên trang bị ống kính zoom 12x và 15x.
Tháng 4 vừa qua, Canon bắt đầu bán trên thị trường máy PowerShot S2 IS, độ zoom 12x, hệ thống ổn định hình ảnh quang học và cảm biến 5 Megapixel.
Samsung Pro815. |
Cuộc chiến độ zoom vẫn tiếp diễn. Samsung giờ đây mới chịu ló dạng bằng việc chuẩn bị ra mắt Digimax Pro 815, độ zoom lên tới 15x và cảm biến 8 triệu điểm ảnh. Tay chơi đầu tiên đến từ xứ sở kim chi phá vỡ hàng loạt kỷ lục của thế giới máy ảnh số như ống kính zoom quang học tới 15x trải dài từ góc rộng tới tele (tương đương 28-420 mm), màn hình 3,5 inch, thời gian khởi động chỉ khoảng 1 giây và khả năng lấy nét manual bằng vòng điều chỉnh trên ống kính (y hệt như các ống kính rời của máy SLR thông thường). Bên cạnh Kodak EasyShare P880 và Panasonic FZ30, cũng chưa hề được tung ra, Pro 815 được đánh giá là tướng tiên phong của một thế hệ máy ảnh siêu zoom mới.
(Phần 1)
Việt Linh (theo Softpedia)