Một điểm khá bất thường ở H1 là máy không được trang bị ống kính cao cấp Carl Zeiss như đa số các máy ảnh cao cấp khác của Sony. Nguyên nhân là loại ống kính đó không phù hợp với cơ chế hoạt động "nửa đứng, nửa chạy" (ống kính có một bộ phận cố định và một bộ phận chuyển động ra vào) rất cần thiết để tích hợp hệ thống ổn định quang học. Tuy nhiên, với độ zoom quang 12x, ống kính có thể chạy trên dải tiêu cự 36-432 mm, tương đương với PowerShot S2 IS của Canon và Panasonic FZ5, và cũng có độ mở tương đương (f2,8 tới f3,7). Khi bật nguồn, phần chuyển động của ống kính nhô ra so với thành phần cố định 27 mm, còn mọi hoạt động zoom đều diễn ra bên trong nhờ cơ chế chuyển động đồng bộ của các thấu kính thành phần.
Sony còn cung cấp kèm theo máy một vòng điều hợp ống kính, cho phép người sử dụng lắp thêm kính lọc màu 58 mm cũng như ống kính chuyển đổi góc rộng và tele).
Việc tung ra Cyber-shot DSC-H1 (giữa tháng 2 năm nay) thể hiện nỗ lực của Sony trong việc chiếm lĩnh nhiều hơn nữa thị phần máy ảnh số độ zoom lớn. Khác với các máy ảnh compact của Sony, DSC-H1 được thiết kế dành cho những người thật sự muốn có một máy ảnh mang phong cách chuyên nghiệp, từ kiểu dáng tới tính năng.
Mặc dù thân máy được chế tạo bằng plastic, chỉ có thành phần cố định của ống kính được làm bằng kim loại, DSC-H1 vẫn khá nặng (gần 600 g tính cả pin) và to hơn nhiều máy bán chuyên 5 Megapixel khác. Nhưng trên thực tế, chính kích thước và trọng lượng hơi quá khổ ấy lại là yếu tố làm nên tính ổn định cho máy, đặc biệt là trong những tình huống zoom hết cỡ vốn rất nhạy cảm với rung động, dù là nhỏ nhất. Với ống kính lớn, tay cầm sâu, khối lượng phân bố đều trên thân máy, H1 trông khá chắc chắn và ổn định khi cầm trong tay. Ngay cả khi cầm bằng một tay, bạn cũng thấy dễ dàng hơn nhiều so với khi mới nhìn thấy máy. Nếu tay bạn nhỏ thì việc cầm máy sẽ hơi khó khăn vì thân máy khá sâu.
H1 rất dễ cầm, kể cả bằng một tay. |
Với H1, Sony đã thể hiện sự cố gắng của mình trong việc vươn đến trình độ "giống như chuyên nghiệp" về tính tiện dụng, nghĩa là phần lớn thời gian sẽ được sử dụng vào việc chụp ảnh thay vì phải đi tìm các chức năng nằm sâu trong menu. Bộ phận đáng chú ý nhất là nút xoay hình bánh xe nằm ở phía trước tay cầm, ngay phía dưới nút bấm chụp, có thể được nhấn để lựa chọn chế độ hay chức năng và xoay để thay đổi thông số. Nút xoay này cho phép chuyển đổi qua lại giữa chế độ tự động/chỉnh tay và điều khiển các thông số: độ mở ống kính hoặc tốc độ chụp (tùy thuộc vào chế độ mà máy đang hoạt động), bù trừ độ phơi sáng tự động, thay đổi thông số phơi sáng ở chế độ chỉnh tay, - tất cả những việc đó có thể được thực hiện mà không cần phải rời mắt khỏi khe ngắm (nếu bạn đang sử dụng nó), vì thế bạn luôn luôn có thể chụp bất cứ lúc nào.
Hệ thống ổn định hình ảnh, đèn flash, chế độ chụp cận cảnh, hệ thống lấy nét, chế độ chụp liên tiếp, kích thước ảnh đều có nút điều khiển riêng. Chỉ có 3 tính năng mà nếu muốn thay đổi thông số hay chế độ của chúng, bạn phải vào menu, đó là độ nhạy sáng, mức chất lượng ảnh và cân bằng trắng.
Màn hình LCD 2,5 inch chiếm phần lớn diện tích phía sau thân máy. Tuy chỉ có độ phân giải khiêm tốn 115.000 pixel nhưng màn hình rất sáng, nét và không bị giật. Do được phủ một lớp chống phản chiếu nên màn hình có thể sử dụng được dưới ánh nắng mặt trời trực tiếp. Phần lớn nút điều khiển nằm bên phải màn hình, trong tầm với của ngón tay cái phải. Phía trên màn hình, gần khe ngắm điện tử, là nút chuyển đổi màn hình/khe ngắm, nút kích hoạt hệ thống ổn định hình ảnh (nhưng để thay đổi chế độ ổn định hình ảnh bạn cần phải vào menu) và thanh điều chỉnh độ zoom. Phía dưới thanh điều chỉnh độ zoom là tổ hợp phím điều chỉnh hướng 4 chiều, nút bật menu, nút điều khiển màn hình (dùng để thay đổi lượng thông tin hiển thị trên màn hình) và nút chọn độ phân giải ảnh (cũng dùng để xóa ảnh ở chế độ xem lại). Mỗi phím trong tổ hợp điều chỉnh hướng đều có thêm một chức năng thứ hai: điều khiển chế độ đèn flash, chọn chế độ chụp cận cảnh, chọn chế độ chụp hen giờ và chọn chế độ xem nhanh (để kiểm tra kiểu ảnh được chụp cuối cùng).
Cũng giống như các đối thủ trong dòng máy bán chuyên, khe ngắm điện tử của H1 hiển thị lượng thông tin tương tự như màn hình. Khe ngắm rất nhỏ nhưng bù lại rất sáng và nét (độ phân giải 115.000 pixel) và điều quan trong là có thể hiển thị rõ thông tin ngay cả dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp.
Đèn flash tự động bật lên khi cần thiết. |
Đèn flash của H1 có thể tự động bật lên khi cần thiết, và có tầm hoạt động khá lớn (lên tới 6,8 m ở tiêu cự góc rộng và 5,2 m ở tiêu cự tele) khi áp dụng chế độ chọn độ nhạy sáng tự động. Ngoài ra, H1 cũng có đèn trợ sáng lấy nét tự động rất mạnh giúp máy lấy nét hiệu quả trong môi trường tối hoàn toàn ở khoảng cách 1,5 m.
Thông số kỹ thuật
Phiên bản này dùng hệ thống ổn định hình ảnh quang học Super SteadyShot của Sony. Mặc dù được gọi là hệ thống ổn định hình ảnh quang học, song về bản chất nó giống như một hệ thống lai giữa điện tử và quang học hơn vì hệ thống này sử dụng cảm biến dò tìm dao động theo cả chiều dọc và chiều ngang trong hệ thống ống kính. Khi phát hiện ra dao động bất thường, hệ thống ổn định hình ảnh chuyển tín hiệu dao động đến chip xử lý hình ảnh, chip này sử dụng thuật toán nội suy điểm ảnh để tạo ra những điểm ảnh còn thiếu (do rung động gây ra) trên cảm biến. Phương pháp này khác hẳn với cơ chế di chuyển ống kính ở những hệ thống ổn định hình ảnh quang học khác. Nhìn chung, hệ thống này hoạt động rất tốt. Người sử dụng có thể kích hoạt tính năng ổn định hình ảnh nhanh chóng bằng nút sau thân máy (đã đề cập đến ở trên). Sau đó, bạn phải chọn thời gian hoạt động của nó: liên tục hay chỉ hoạt động lúc khóa giá trị lấy nét.
Kích thước: 108x82x91 mm
Khối lượng: 591 g (cả pin)
Cảm biến: Super HAD CCD, 5,1 triệu
điểm ảnh hiệu dụng
Độ phân giải lớn nhất: 2.592x1.944
pixel
Zoom số: 2x
Kiểu lấy nét: đa điểm, ưu tiên trung
tâm, tâm điểm linh hoạt
Chế độ lấy nét: tự động, chỉnh tay
Chụp cận cảnh: 2 cm
Chế độ chụp: tự động, chỉnh tay, lập
trình, ưu tiên độ mở, ưu tiên tốc độ chụp
Tốc độ chụp: 30-1/2.000 giây
Đo sáng: ma trận, ưu tiên trung tâm, tâm điểm
ISO: 64, 100, 200, 400, tự động
Cân bằng trắng: tự động, ban ngày, trời mây, đèn nóng sáng, đèn huỳnh quang, ánh sáng nến
Đo sáng: bão hòa màu (3 mức), độ nét (3 mức), độ tương phản (3 mức)
Chế độ màu: đen trắng, giả cổ
Chụp liên tiếp: 9 ảnh, 1,3 hình/giây
Bộ nhớ trong: 32 MB
Thẻ nhớ: Memory Stick/Memory StickPro
Quay video: MPEG-1, 640x480 pixel
(16/30 hình/giây), 160x112 pixel (8 hình/giây)
Giao tiếp: USB
Hỗ trợ: PIM III, DPOF, PictBridge
Giá bán: 499 USD
H1 dùng 2 pin AA (Sony cấp kèm theo pin NiMH). Khoang chứa pin nằm ở dưới tay cầm. Thời gian dùng pin khá lâu, mặc dù không phải là dài nhất trong dòng máy bán chuyên - cho phép chụp 290 kiểu nếu dùng màn hình LCD và 320 kiểu nếu dùng khe ngắm điện tử.
Cũng giống như nhiều phiên bản cao cấp khác, H1 có 2 chế độ chụp liên tiếp: Burst và Multi Burst. Chế độ Burst cho phép chụp 1,3 ảnh/giây cho đến khi đầy thẻ nhớ (tương đương với 5 kiểu ở độ phân giải/mức chất lượng cao nhất và 100 kiểu nếu chọn độ phân giải/mức chất lượng thấp nhất). Máy không có chế độ xem trước ở chế độ chụp liên tiếp. Chế độ Multi Burst tạo ra 1 file đơn dung lượng 1 MB chứa một chuỗi 16 ảnh trong các khoảng thời gian 1/7,5, 1/15 và 1/30 giây - rất lý tưởng khi ghi lại chuyển động của những đối tượng chuyển động nhanh, chẳng hạn như trái bóng đang bay.
Từ trái sang: Panasonic Lumix DMC-FZ5, Canon Powershot S2 IS, Sony Cyber-shot H1, Kodak EasyShare Z740. |
Tốc độ làm việc của H1 khá nhanh, mặc dù thời gian khởi động không ấn tượng lắm(2 giây). Thời gian chờ giữa 2 kiểu ảnh mất 1,35 giây ở chế độ lấy nét tự động và không dùng flash, 3,4 giây nếu dùng đèn flash và chọn chế độ khử mắt đỏ. Nếu chọn chế độ chỉnh tay thì thời gian chờ giảm xuống còn 0,9 giây khi không bật flash. Ống kính mất 1,8 giây để chạy hết dải tiêu cự. Độ trễ cửa trập là 0,6 giây . chế độ xem lại, thời gian dừng giữa 2 ảnh liên tiếp là 0,2 giây và thời gian phóng to hết cỡ là 3 giây.
Nhìn chung ảnh của H1 trông rất sáng, sống động và chi tiết - rất đẹp khi in ra. Hệ thống đo sáng làm việc chính xác. Tuy nhiên, hiện tượng viền tím (đỏ một bên và xanh phía bên kia) và "bẻ cong đường thẳng" trong môi trường ánh sáng có độ tương phản cao vẫn còn. Hiện tượng lẫn màu vẫn xảy ra ở những ảnh chụp góc rộng, đặc biệt dễ thấy khi ánh sáng có độ tương phản cao. Khả năng chụp cận cảnh của máy rất tốt, hiện tượng đường thẳng bị uốn cong ở các ảnh chụp góc rộng nhất (36 mm) xảy ra với tỷ lệ 1,2 % và hầu như không nhận thấy ở độ zoom 12x (tiêu cự 432 mm).
Ảnh chụp dưới ánh sáng đèn flash của H1 có chất lượng tốt, với màu sắc trung thực và độ phơi sáng chuẩn nhưng một tỷ lệ nhỏ có xu hướng ngả sáng các tông màu ấm (nhưng như thế còn tốt hơn xu hướng ngả sang các tông màu lạnh). Các tông màu trên da người được tái hiện tốt và trông đẹp. Tuy nhiên, nếu pin yếu và đối tượng ở quá xa thì chắc chắn người chụp sẽ bực mình vì khi đó sau khi chụp một kiểu bạn phải chờ đèn flash nạp điện trong thời gian 6-8 giây mới có thể chụp tiếp.
Tính năng cân bằng trắng hoạt động hoàn hảo ở chế độ tự động trong các tình huống ngoài trời và đối phó tốt trong tình huống chụp dưới ánh sáng đèn nóng sáng và các nguồn sáng hỗn hợp. Tuy nhiên, chế độ cân bằng trắng tự động không hiệu quả trong việc khắc phục hiện tượng ngả sang màu cam khi chụp dưới ánh sáng nến. Nếu muốn có những tông màu trung tính trong tình huống này người chụp nên chọn chế độ cân bằng trắng thiết lập sẵn hoặc chỉnh tay.
Mặc dù chỉ quay được video MPEG -1ở độ phân giải lớn nhất 640x480 pixel song DSC-H1 được đánh giá là một trong những máy ảnh có chất lượng video tốt nhất trong số các máy ảnh Sony nói riêng và tất cả các máy ảnh số nói chung.
Việt Linh (theo Dpreview)