thời kỳ hoàng kim của máy ảnh cơ, giai đoạn mà chụp ảnh bằng máy số là một giấc mơ đẹp đối với những người có thu nhập trung bình, khi nói đến ống kính độ zoom 10x hay 12x thì ngay lập tức người ta nghĩ đến những ống kính to tướng, nặng đến nỗi người sử dụng luôn cần đến các phương tiện hỗ trợ khi chụp ảnh. Chưa hết, để có được những kiểu ảnh từ xa, người chụp phải mang theo nhiều ống kính cho những tình huống khác nhau, một công việc mà không phải ai cũng cảm thấy vui vẻ khi nghĩ đến. Thực trạng đó vẫn đúng cho đến tận bây giờ đối với máy ảnh cơ và cả máy số ống kính đơn (gọi tắt là máy SRL).
FD-91 - máy ảnh superzoom đầu tiên. |
Bài viết này không tập trung vào các loại máy SRL, thay vào đó sẽ ngược dòng thời gian để tìm hiểu về lịch sử phát triển của dòng máy ảnh số ống kính liền dành cho đối tượng bán chuyên, có độ zoom từ 7x trở lên (tương đương tiêu cự 200 mm tính theo máy dùng phim 35 mm).
*Camera số - mấy 'mê' thì vừa? |
*Chống rung cho máy ảnh số |
Máy ảnh dòng bán chuyên là những công cụ giúp cho các nhiếp ảnh gia nghiệp dư (amateur) sáng tác. Chúng có khả năng bao quát toàn bộ dải tiêu cự ống kính và được thiết kế khá nhiều chế độ chỉnh tay đối với các thông số: độ mở ống kính, độ phơi sáng, bù trừ độ phơi sáng, đèn flash, kiểu đo sáng (tâm điểm, ưu tiên trung tâm, ma trận) và một số loại thông số khác nữa.
Thông thường, người dùng sẽ nghĩ rằng máy ảnh có độ zoom quang lớn hơn 7x đầu tiên phải là sản phẩm của các tên tuổi như Canon hay Nikon, vì thế không ai không ngạc nhiên khi chính Sony lại là hãng đi tiên phong cho trào lưu này với máy ảnh FD-91 vào năm 2000. Và cho tới nay, đây vẫn là máy ảnh ống kính vô địch với với ống kính zoom quang 14x.
Olympus C-2100UZ. |
Một đặc tính nữa của máy ảnh này khiến người ta phải thán phục là nó có cả hệ thống ổn định hình ảnh trong ống kính (công nghệ chống rung Steady Shot của Sony), hơn nhiều loại máy đắt tiền hiện nay. Máy dùng cảm biến độ phân giải 800.000 điểm ảnh, độ mở ống kính từ f1,8 đến f1,1, ISO 100, lấy nét bằng tay. Bên phải thân máy, chỗ lẽ ra là khe cắm thẻ nhớ như các thế hệ mới, có một khe to tướng đủ để nhét cả một chiếc đĩa mềm, phương tiện lưu trữ mà ít người dùng ngày nay có thể tin được.
Ngay sau phiên bản này, nhà sản xuất Nhật Bản đã tung ra FD-95, với độ zoom của ống kính giảm xuống còn 10x nhưng độ phân giải của cảm biến tăng lên 2,1 triệu điểm ảnh. Dòng máy ảnh Mavica không còn được sản xuất nữa sau thời điểm ra đời phiên bản cuối cùng, MVC-CD 1000. Máy ảnh này, thay vì dùng đĩa mềm như những phiên bản trước, đã chuyển sang ghi hình vào đĩa CD.
Canon Pro90 IS là máy ảnh đầu tiên có màn hình vặn và xoay. |
Tiếp bước Sony, tháng 12/2000, Olympus tung ra máy ảnh C-2100UZ. Phiên bản này có độ zoom 10x và hệ thống ổn định hình ảnh quang học. Độ mở ống kính f2,8-f8, thời gian phơi sáng đạt đến 1/800 giây. Máy được trang bị màn hình tinh thể lỏng có độ phân giải lên tới 114.000 pixel, một con số kỷ lục vào lúc đó (và đến tận bây giờ độ phân giải màn hình của rất nhiều máy ảnh vẫn thấp hơn con số này).
Năm 2001, Canon tham gia cuộc đua trên thị trường máy ảnh số độ zoom lớn bằng việc tung ra phiên bản Pro90 IS với độ zoom 10x, hệ thống ổn định hình ảnh quang học, cảm biến ảnh 2,6 Megapixel và độ mở f2,8-f8. Canon thiết kế vòng điều khiển lấy nét nằm trên ống kính của Pro90 IS như máy ảnh cơ và khe cắm thẻ nhớ CompactFlash cho máy. Đây cũng là máy ảnh đầu tiên có màn hình TFT vặn và xoay.
Dimage 7 của Minolta là máy ảnh đầu tiên có ống kính thu gọn vào thân máy. |
Cùng năm, Minolta cho ra đời 2 máy ảnh độ zoom lớn đầu tiên của mình: Dimage 5 và Dimage 7. Cả hai đều có độ zoom 7x, độ mở f2,8-f9,5, thời gian phơi sáng từ 4 cho đến 1/2.000 giây. Máy được điều chỉnh lấy nét bằng vòng xoay trên ống kính, đo sáng theo kiểu ma trận 300 điểm và dùng thẻ nhớ CompactFlash. Điểm khác biệt duy nhất giữa chúng là cảm biến ảnh. Dimage 5 dùng cảm biến 3,14 Megapixel còn Dimage 7 dùng cảm biến 4,92 Megapixel (điểm ảnh hiệu dụng).
Thông qua việc tìm hiểu kiểu dáng của hai camera trên, người ta phát hiện ra những đột phá mang tính kỹ thuật: nhà sản xuất đã thiết kế hệ thống ống kính quang học mới cho phép ống kính có thể chuyển động ra vào thân máy. Bằng cách đó, camera của Minolta đã giảm đáng kể kích thước.
Olympus C-720UZ là máy ảnh có độ zoom 10x nhỏ nhất. |
Nhìn vào các sự kiện trên, có thể thấy 2001 là năm mang tính quyết định đối với dòng máy ảnh bán chuyên có độ zoom lớn. Tháng 3 năm đó, Olympus ra mắt C-700UZ, được mệnh danh là máy ảnh có độ zoom quang 10x kích thước nhỏ nhất cho đến thời điểm bấy giờ. Thật không may, điều này dẫn đến một số nhược điểm như không có hệ thống ổn định hình ảnh quang học hay đèn trợ sáng lấy nét như phiên bản đàn anh C-2100UZ. Độ phân giải 2 triệu điểm ảnh hiệu dụng của C-700UZ còn nhỏ hơn C-2100UZ, một điều hơi ngược với xu thế, trong khi kích thước màn hình thậm chí còn bị thu lại nhỏ xíu.
Năm 2002, Minolta, trên cơ sở thành công của Dimage 7, tung ra máy ảnh Minolta 7i. Phiên bản này có các tính năng tương tự như Dimage 7, trừ hai điểm: có thể tiếp nhận kính lọc màu và có chế độ đèn flash mới.
Cũng trong năm đó, Olympus tung ra C-720UZ với độ phân giải hiệu dụng 3 triệu điểm ảnh và ống kính độ zoom 8x. Khiếm khuyết không có hệ thống ổn định hình ảnh quang họccủa phiên bản đàn anh C-700UZ vẫn chưa được khắc phục. Ngoài ra, máy cũng không có chế độ lấy nét chỉnh tay.
Coolpix 5700 là máy ảnh superzoom đầu tiên của Nikon và là máy ảnh đầu tiên cho phép lưu trữ dưới định dạng RAW. |
Khá im hơi lặng tiếng, đến lúc này, Nikon mới bắt đầu nhập cuộc. Sự thận trọng có những ưu thế của nó và tháng 5/2002, Nikon khiến giới chơi ảnh choáng váng với Coolpix 5700, độ zoom 8x và 5 triệu điểm ảnh hiệu dụng - một con số "khủng khiếp" vào thời điểm đó. Những tính năng gây ngạc nhiên chưa dừng lại ở số điểm ảnh. Không dừng lại ở đó, ngoài chế độ chỉnh tay hoàn toàn, đây là máy ảnh đầu tiên cho phép người sử dụng lưu trữ ảnh ở định dạng thô (RAW). Điểm yếu của Coolpix 5700 là không có đèn trợ sáng lấy nét và hệ thống menu hơi rắc rối.
(Còn tiếp)
Việt Linh (theo Softpedia)