Tháng 6/1941, khi phát xít Đức xua khoảng 4 triệu quân xâm lược Liên Xô từ phía Tây trong chiến dịch Barbarossaphe, đại tá Marina Raskova, một nữ phi công nổi tiếng của Liên Xô, bắt đầu nhận được thư của phụ nữ trên khắp nước Nga muốn tham gia chiến đấu bằng mọi cách, theo Atlantic.
Raskova đã nỗ lực để phụ nữ đóng vai trò tích cực hơn trong cuộc chiến và đã thành công. Cuối năm đó, ba phi đội không quân toàn nữ được thành lập, trong đó có trung đoàn 588, đơn vị có toàn bộ phi công, chỉ huy và kỹ thuật viên đều là nữ.
Trung đoàn 588 ra mắt năm 1942 với các thành viên là nữ giới tuổi đời từ 17 đến 26 và chuyển đến thị trấn nhỏ Engels để bắt đầu huấn luyện bay. Họ được Raskova chào đón bằng nghi thức quân đội, được cấp phát giày cỡ 42 cùng những bộ quân phục rộng thùng thình của các đồng nghiệp nam và buộc cắt tóc ngắn. "Chúng tôi không nhận ra chính bản thân mình trong gương bởi chúng tôi trông giống đàn ông", một phi công nữ hồi tưởng.
Đội nữ phi công phải đối mặt với nhiều trở ngại lớn ngay trước khi tham gia chiến đấu. Họ phải lái máy bay Polikarpov Po-2, loại máy bay lạc hậu có hai tầng cánh, hai ghế ngồi với khoang lái mở. Máy bay này hoàn toàn không được bọc giáp, với bộ khung làm từ ván ép và phủ một lớp vải bên ngoài.
Ưu điểm của máy bay Po-2 là trọng lượng nhẹ và tốc độ chậm hơn tiêm kích Đức, khiến chúng khó bị ngắm bắn và có thể cất hạ cánh trên nhiều địa hình. Tuy nhiên, khoang lái mở khiến phi công dễ bị lạnh cóng khi bay vào mùa đông.
Những khó khăn này không khiến các nữ phi công trung đoàn 588 nản lòng. Từ ngày 8/6/1942 đến khi kết thúc chiến tranh, phi đội toàn nữ này đã thực hiện hàng chục nghìn lượt oanh tạc vào ban đêm, trở thành nỗi kinh hoàng của nhiều lính Đức.
Ở thời điểm cao trào, trung đoàn 588 xuất kích tới 18 lần trong một đêm. Máy bay của họ chỉ có thể mang theo 6 quả bom trong một lần xuất kích và ngay sau đó phải quay về lắp bom rồi tiếp tục lên đường thực hiện nhiệm vụ. Do hạn chế về tải trọng nên các phi công nữ không mang theo dù, phải bay ở tầm thấp và dễ dàng bị phát hiện.
Họ cũng không có radar định hướng trong đêm tối, chỉ mang theo bản đồ và la bàn. Nếu bị trúng đạn vạch đường, phi cơ của họ sẽ bốc cháy như máy bay giấy.
Bởi vậy, màn đêm là yếu tố then chốt giúp các nữ phi công trung đoàn 588 thực hiện nhiệm vụ thành công và sống sót. Ba máy bay cùng xuất kích, trong đó hai chiếc rọi đèn pha và khai hỏa để chiếc thứ ba lẩn khuất vào màn đêm để thả bom. Để đảm bảo bí mật, các nữ phi công sẽ tắt động cơ khi đến gần mục tiêu và chỉ bay liệng trên đầu rồi ném bom vào quân Đức.
Những chiếc máy bay tắt động cơ này âm thầm xẹt ngang bầu trời rồi dội bom, khiến quân Đức liên tưởng đến hình ảnh những chiếc chổi bay của phù thủy, nên đặt biệt danh cho đội nữ phi công Liên Xô là "Phù thủy Bóng đêm".
Theo Vanity Fair, phi công Đức rất sợ khi đối đầu đội quân "phù thủy" này của Liên Xô. Đầu năm 1943, nữ phi công Tamara Pamyatnykh cùng một đồng đội từng tả xung hữu đột giữa đội hình 42 oanh tạc cơ và máy bay tiêm kích hộ tống của Đức, bắn cháy hai máy bay Đức, trước khi chiếc Po-2 của Pamyatnykh bị bắn rụng cánh. Cô nhảy dù xuống đất và được người dân cứu giúp.
Tin đồn bắt đầu lan rộng trong quân Đức rằng các nữ phi công Liên Xô được sử dụng loại thuốc giúp họ có thị lực tinh tường như loài mèo trong đêm tối. Nadezhda Popova, một trong những "phù thủy bóng đêm" nổi tiếng nhất đã tự mình xuất kích 852 lần thực hiện nhiệm vụ, nhận nhiều huân chương và danh hiệu Anh hùng Liên Xô.
Dù nhiều người trong quân đội Liên Xô vẫn cho rằng việc để các nữ phi công tham chiến là ý tưởng "nực cười", trung đoàn 588 vẫn thể hiện được khả năng và ý chí chiến đấu của mình với những chiếc máy bay được tô điểm bằng những bông hoa.
Cho đến khi kết thúc chiến tranh, các "phù thủy bóng đêm" Liên Xô đã thực hiện tổng cộng 30.000 lượt oanh tạc, rải 23.000 tấn bom lên các mục tiêu phát xít Đức. Trung đoàn 588 mất 30 nữ phi công trong chiến đấu, 23 người được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Trung đoàn 588 sau đó được đổi tên thành Trung đoàn Không quân Oanh tạc đêm Bảo vệ Taman số 46 và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc.
"Dù không được trang bị các máy bay hiện đại hoặc bom ưu việt, thậm chí không được nhiều người đề cao, các Phù thủy Bóng đêm đã trở thành một trong những lực lượng thiện chiến nhất trong Thế chiến II", sử gia Eric Grundhauser nhấn mạnh.
Duy Sơn