Ngày 6/9/1976, khi đang bay huấn luyện cùng phi đội tiêm kích Mig-25 gần bờ biển Nhật Bản, trung úy không quân Liên Xô Viktor Belenko tách khỏi đội hình và bay thấp để tránh bị radar phát hiện, theo RBTH.
Khi chiếc máy bay tiến vào không phận Nhật Bản, hai tiêm kích F-4 Phantom của Nhật lập tức đuổi theo nhưng không thể bắt kịp chiếc chiến đấu cơ nhanh nhất thế giới khi đó. Belenko hạ cánh ở Hakodate, miền bắc Nhật Bản và nhanh chóng bị cảnh sát Nhật áp tải đi.
Đối với phương Tây, cuộc đào thoát này là một vận may bất ngờ, bởi Mig-25 từ lâu vẫn là tiêm kích bí ẩn nhất họ muốn tìm hiểu sau khi một số chuyên gia tỏ ra ngưỡng mộ và một số phi công nghe tên đã khiếp sợ.
Tiêm kích Mig-25 được Cục Thiết kế Mikoyan-Gurevich của Liên Xô bắt đầu nghiên cứu phát triển đầu thập niên 1960 sau khi có các thông tin về việc Mỹ đang phát triển một oanh tạc cơ có vận tốc Mach 3 (1.020 m/s). Lo ngại oanh tạc cơ B-70 Valkyrie trang bị hạt nhân có thể tàn phá lãnh thổ, Moscow đã quyết định phát triển một tiêm kích đánh chặn có tốc độ tương đương.
Dù dự án oanh tạc cơ Valkyrie gặp trục trặc và bị hủy, Liên Xô vẫn kiên trì với dự án này, và kết quả là Mig-25 Foxbat ra đời, trở thành tiêm kích đánh chặn nhanh nhất thế giới khi đó. Mig-25 được Liên Xô áp dụng các biện pháp bảo mật công nghệ nghiêm ngặt khiến phương Tây không thể nào tiếp cận được. Bởi vậy, cuộc đào tẩu của Belenko cùng với một chiếc Mig-25 nguyên vẹn thực sự là một cơ hội trời cho.
Ban đầu, người Nhật không biết xử lí Belenko và chiếc tiêm kích đào tẩu như nào. Trong lúc Liên Xô muốn Nhật trao trả viên phi công này thì Mỹ muốn kiểm tra chiếc tiêm kích vẫn là bí ẩn với họ.
Khi Trung tâm Tình báo Không quân và Không gian Quốc gia Mỹ tháo rời chiếc tiêm kích Mig-25, họ thực sự kinh ngạc nhận ra hệ thống điện tử trên khoang dựa trên công nghệ bóng đèn điện tử chân không lạc hậu chứ không phải thiết bị bán dẫn mới nhất thời đó. Các quan chức Lầu Năm Góc đã cười khẩy khi biết Liên Xô sử dụng công nghệ đời cũ như vậy trên chiếc máy bay hiện đại nhất của họ.
Tuy nhiên, người Mỹ vẫn tiếp tục muốn tìm hiểu lý do tại sao người Nga sử dụng bóng đèn điện tử chân không thay vì bóng bán dẫn. Sau nhiều năm nghiên cứu, họ mới nhận ra người thiết kế chiếc tiêm kích Foxbat rất thông minh. Nhờ các bóng điện tử chân không, radar Mig-25 phát huy được uy lực đến mức không thể bị gây nhiễu điện tử dưới mọi hình thức.
Ngoài ra, bóng điện tử chân không cũng giúp các hệ thống trên máy bay chịu được xung điện từ, do đó, nếu một cuộc chiến tranh hạt nhân nổ ra, tiêm kích Foxbat là máy bay duy nhất cất cánh được trên thế giới.
Trung úy Belenko đã tiết lộ rất nhiều bí mật về tiêm kích Mig-25, trong đó có việc các chuyên gia Liên Xô sử dụng rượu ngũ cốc để làm tan băng kính chắn gió của chiếc chiến đấu cơ này, nhưng các chỉ huy phi hành đoàn dưới đất đã uống chúng và bí mật đổ nước vào.
Belenko còn nói với các điều tra viên người Mỹ rằng ở độ cao hơn 24 km, chiếc Mig-25 của anh ta chỉ có thể hành trình an toàn ở vận tốc Mach 2,8 ( 3.500 km/h) thay vì vận tốc Mach 3,2 (3.920 km/h) như các nguyên mẫu Mig-25. Thậm chí ngay cả ở vận tốc Mach 2,8, động cơ máy bay bị quá nhiệt và 4 tên lửa không đối không trên các giá treo ở cánh rung lên rất nguy hiểm.
Các kỹ sư Mỹ đã nhận thấy công nghệ Liên Xô sử dụng lạc hậu đáng kinh ngạc. Đôi cánh Mig-25 được hàn thủ công thay vì sử dụng máy móc và các đinh tán không được làm nhẵn để giảm lực cản.
Bất chấp những điểm yếu này, một chuyên gia đã thừa nhận rằng Mig-25 là một máy bay tuyệt vời. Động cơ của máy bay thải ra ít muội than hơn máy bay Mỹ và tạo lực đẩy tới 12.246 kg chứ không phải 11.113 kg như các chuyên gia Mỹ ước tính.
Tổn thất lớn nhất của Liên Xô là tài liệu hướng dẫn vận hành máy bay mà Belenko mang theo. Không quân Liên Xô cũng phải phát triển một hệ thống radar hoàn toàn mới cho Mig-25 bởi tính năng radar cũ đã bị lộ và các phi công Mỹ sẽ biết cách khắc chế, khiến tiêm kích này gặp bất lợi trong bất kỳ trận không chiến nào trong tương lai. Liên Xô sau đó thiết kế lại tiêm kích này, khắc phục những hạn chế, và cho ra mắt tiêm kích đánh chặn huyền thoại Mig-31 với tốc độ tương đương.
Việc phi công đào thoát và bí mật quân sự về tiêm kích Mig-25 không hẳn là một thảm họa với Liên Xô bởi đây cũng là cách tiếp thị sản phẩm tốt khiến một loạt các nước Trung Đông đặt mua, dù Liên Xô không bán các máy bay đời mới của mình.
Các lực lượng không quân Ai Cập, Iraq và Syria đã mua lượng lớn tiêm kích Foxbat và đối phó hiệu quả với các lực lượng không quân Mỹ và Israel vốn có số lượng chiến đấu cơ lớn hơn nhiều và phi công được huấn luyện bài bản hơn. Trong các cuộc chiến tranh giữa Israel và các nước Arab, tiêm kích Phantom và Mirage của Israel đã từng bất lực trước tốc độ của những chiếc Mig-25 trong biên chế không quân Ai Cập.
Duy Sơn