Muốn giữ được cân nặng lý tưởng phải tạo một chế độ ăn hợp lý và năng luyện tập thể dục. Tuy nhiên, làm thế nào để khắc phục một trong những kẻ phá hoại thường gặp nhất đối với việc quản lý cân nặng là chứng đói tâm lý, hay còn gọi đói "giả".
Theo Louise Adams, nhà tâm lý học chuyên về chứng rối loạn ăn uống theo cảm xúc, đối với chứng đói tâm lý, việc ăn kiêng sẽ là một lựa chọn sai lầm. Hạnh phúc và chán nản là nguyên nhân dẫn việc đến ăn quá nhiều; Adams lại xếp căng thẳng và lo lắng là hai nhân tố hàng đầu gây ra tình trạng này.
Nhiều người tìm đến thức ăn như một sự giải tỏa, Adams tin rằng lý do đó cũng tương tự như việc những người khác tìm đến rượu hay ma túy. Điều này bắt nguồn từ việc chúng ta không được dạy về kỹ năng đối mặt với những cảm xúc tồi tệ.
Adams khuyến cáo, cần chấp nhận việc một cảm xúc nào đó làm ta cảm thấy khó chịu là rất bình thường. Phải luôn giữ cho mình lối suy nghĩ rằng những cảm xúc tiêu cực đó cần phải được xóa bỏ ngay lập tức, như cách ta thường dỗ dành trẻ nhỏ với bánh quy nếu chúng buồn bã. Chúng ta không được dạy cách vượt qua những cảm xúc đó mà thay vào đó là làm tê liệt chúng bằng rượu, ma túy hay việc ăn uống.
"Tôi nghĩ rằng với vai trò cha mẹ, chúng ta cần dạy cho con cái mình rằng những suy nghĩ tiêu cực rồi sẽ xảy ra bởi không phải lúc nào con người cũng đều hạnh phúc. Nếu bé con 5 tuổi của tôi nói rằng nó thấy bực mình vì những chuyện mà chị gái nó đã làm, tôi sẽ bảo cảm thấy bực mình là điều hoàn toàn bình thường con yêu à!", nhà tâm lý đưa ra lời khuyên.
Thói quen ăn uống tập trung là một kỹ năng hữu ích khác giúp ta phát hiện ra những dấu hiệu của trạng thái đói hay no. Theo Adams, điều này thậm chí hiệu quả hơn cả ăn kiêng. Vì thế, chuyên gia này thường áp dụng cho bệnh nhân của mình một thang đo độ đói với các mức độ từ 0 đến 7, trong đó đói cồn cào là 0 và no căng bụng là 7.
“Hãy cố gắng hết sức để dừng ăn khi bạn cảm thấy vừa đủ, ở mức 4 hoặc 5, trước khi đạt đến mức no căng bụng; ăn khi cảm thấy hơi đói, ở mức 2 hay 3 trước khi đến ngưỡng đói cồn cào bởi đó là lúc chúng ta dễ bị sa vào trạng thái ăn quá mức. Tôi thường bảo mọi người rằng cơn đói cồn cào giống như một cú đấm, cảm giác hơi đói giống như cái vỗ nhẹ lên vai nhắc nhở rằng chúng ta cần ăn.”
“Chúng ta cũng cần chậm rãi và tập trung vào bữa ăn. Điều này tốt hơn ăn trong khi đang làm những việc khác như xem tivi hay làm việc bởi nếu không tập trung vào thức ăn, bạn không chỉ lỡ mất dấu hiệu nhận thấy mình đã no mà còn không được trải nghiệm việc thưởng thức vị ngon của các món ăn”, Adams cho biết.
Những người ăn uống theo tâm lý thường cảm thấy không làm chủ được mình. Ăn uống có tập trung, bạn sẽ cảm thấy mình đang ở trong tầm kiểm soát và nếu tiếp tục luyện tập, bạn sẽ thật sự kiểm soát được mình.
Theo Adams, số lượng những người rối loạn ăn uống đang gia tăng và đói tâm lý là một trong những điểm đặc trưng của chứng rối loạn này. Đây là vấn đề thường có xu hướng ảnh hưởng nhiều tới phụ nữ, nhưng hiện nay không ít nam giới đang mắc phải chứng đói tâm lý này.
"Thành lũy cuối cùng cần vượt qua chính là sự nhận thức đúng đắn của mỗi người. Tôi không thể đếm được có bao nhiêu bệnh nhân của mình không bao giờ ăn tại nơi làm việc do cảm thấy xấu hổ; rốt cuộc sau đó, họ trở về nhà và ăn nhiều quá mức do quá đói”, Adams chia sẻ.
Lê Phương (Theo Sydney Morning Hearld)