Điều trị hóa chất (hóa trị) và thuốc sinh học là một trong những liệu pháp có thể được sử dụng trong điều trị những khối bướu ác tính. Tùy theo đặc điểm và vị trí khối bướu, bác sĩ chuyên khoa ung bướu sẽ thiết lập liệu trình điều trị phù hợp. Trong quá trình điều trị, có thể người bệnh sẽ gặp một số tác dụng ngoại ý. Điều quan trọng là cần biết cách tự chăm sóc cho bản thân khỏe mạnh hơn để vượt qua giai đoạn này một cách dễ dàng.
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Nguyên Hà, Trưởng Khoa Nội 4, Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết, hóa trị là một trong những phương pháp điều trị ung thư bằng cách sử dụng một hay nhiều loại thuốc phối hợp, nhằm mục đích tiêu diệt các tế bào ung thư. Tùy theo tính chất khối bướu và tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ quyết định hóa trị đơn thuần hoặc phối hợp với phẫu trị hay xạ trị.
Hóa trị có thể làm giảm số lượng tế bào ung thư, đẩy lui bệnh hoặc hỗ trợ tiêu diệt các tế bào ung thư còn lại sau phẫu trị, kiểm soát bệnh trong một khoảng thời gian hay giảm nhẹ triệu chứng, đau đớn.
Theo bác sĩ Trần Nguyên Hà, cũng như mọi phương pháp điều trị bệnh, hóa trị cũng có thể có các tác dụng ngoại ý. Những tế bào bình thường, đặc biệt là tế bào có sự thay đổi thường xuyên như tóc, da, niêm mạc đường tiêu hóa và tế bào máu... có thể bị tác động bởi quá trình hóa trị. Ngoài ra, hóa trị còn có thể ảnh hưởng đến quá trình sinh sản hoặc ảnh hưởng lên hệ thống và cơ quan quan trọng của cơ thể như tim, phổi, gan, thận hay thần kinh.
Các tác dụng ngoại ý này đều có thể được kiểm soát hoặc làm giảm nhẹ triệu chứng khi xảy ra. So với các nguy cơ từ tác dụng ngoại ý, lợi ích mà hóa trị mang đến cho bệnh nhân ung thư đáng kể hơn nhiều.
Kiểm soát tốt các tác dụng ngoại ý do hóa trị
Các tác dụng ngoại ý trên tế bào máu
Hóa trị có thể làm giảm số lượng các tế bào máu bình thường trong cơ thể, bao gồm hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Trong quá trình thực hiện hóa trị, bạn có nguy cơ thiếu máu do giảm hồng cầu, tăng nguy cơ nhiễm trùng do giảm bạch cầu và dễ bị chảy máu do giảm tiểu cầu.
- Điều trị thiếu máu: Nếu cảm thấy cơ thể yếu, dễ mệt, chóng mặt, lạnh và khó thở, cần thông báo cho bác sĩ hoặc điều dưỡng đang điều trị và chăm sóc để được kiểm tra và xử trí thích hợp.
- Giảm nguy cơ nhiễm trùng: Trong thời gian này cần thường xuyên rửa tay, hạn chế tiếp xúc với người đang có các bệnh nhiễm trùng, theo dõi nhiệt độ cơ thể trong giai đoạn tế bào máu giảm thấp nhất. Điều này có thể giúp phát hiện tình trạng nhiễm trùng ngay khi mới bắt đầu.
- Đề phòng tình trạng chảy máu: Khi tiểu cầu giảm, cơ thể sẽ khó tạo cục máu đông nếu có vết thương. Vì vậy, cần chú ý tránh sử dụng các dụng cụ nhọn hay sắc bén như dao, kéo… Nên dùng máy cạo râu thay vì dùng lưỡi dao cạo. Hạn chế tham gia các môn thể thao hoặc các hoạt động có thể gây ra vết bầm da.
Nên đến bệnh viện ngay lập tức khi:
- Có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng như sốt từ 38°C trở lên, đổ mồ hôi hoặc lạnh run, ho, đau họng hoặc đau.
- Đau ngực hoặc khó thở.
- Chảy máu không cầm được.
- Nôn hoặc tiêu chảy kéo dài.
Các tác dụng ngoại ý trên đường tiêu hóa
Hóa trị cũng ảnh hưởng đến các tế bào niêm mạc đường tiêu hóa gây đau miệng, nôn, tiêu chảy hoặc táo bón. Để hạn chế tác động của hóa trị cũng như cảm thấy dễ chịu hơn với các tác dụng ngoại ý này, cần lưu ý:
- Chăm sóc răng miệng sau mỗi bữa ăn với bàn chải răng mềm, súc miệng với nước muối pha loãng. Không sử dụng các loại nước súc miệng chứa cồn.
- Chia thành các bữa ăn nhỏ trong ngày. Nên ăn chậm và không dùng thức ăn nóng hay lạnh. Dùng thuốc chống nôn theo chỉ định của bác sĩ.
- Để tránh táo bón, nên chọn món ăn giàu chất xơ như rau, trái cây và gạo lứt.
- Khi có tiêu chảy, nên uống nhiều nước và nên chọn loại thức ăn dễ tiêu.
Tác dụng ngoại ý trên da và tóc
Để làm giảm các triệu chứng trên da và tóc, cần:
- Sử dụng kem chống nắng với SPF từ 15 trở lên.
- Cắt tóc ngắn.
- Sử dụng tóc giả, đội nón hoặc dùng khăn choàng.
Đối với hội chứng bàn tay, bàn chân, nên:
- Dùng túi chườm mát lòng bàn tay, bàn chân.
- Dùng khăn mềm để lau tay.
- Sử dụng các loại kem tạo độ ẩm cho tay, chân.
- Mang giày, dép thông thoáng và không quá chặt.
Không nên tiếp xúc lâu với nước nóng, ánh nắng mặt trời, hóa chất tẩy rửa. Không tham gia các hoạt động tạo áp lực lên tay, chân với thời gian dài như đi bộ nhiều, sử dụng các dụng cụ cần dùng sức…
Lê Phương