Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Trại David, khu nghỉ dưỡng nằm trên rìa phía đông dãy núi Blue Ridge, bang Maryland. Nhưng ông không tới đây để nghỉ ngơi, khi Nga đang triển khai hơn 100.000 quân sát biên giới Ukraine và tình báo Mỹ vẫn tin rằng Moskva có đủ lực lượng để "tràn ngập" thủ đô Kiev của Ukraine trong 48 giờ.
Tại khu nghỉ dưỡng nằm dưới tán rừng sồi và bạch dương, Biden lắng nghe Ngoại trưởng Antony Blinken báo cáo vắn tắt tình hình thông qua hệ thống họp trực tuyến bảo mật, đồng thời khuyến nghị Mỹ thực hiện bước tiếp theo trong kế hoạch ứng phó.
Đã đến lúc phải sơ tán đại sứ quán Mỹ ở Kiev, Blinken đề xuất. Biden đồng ý.
Từ cuối năm ngoái, chính quyền Biden đã lập một nhóm chuyên trách có tên gọi "Đội Hổ" nhằm xử lý cuộc khủng hoảng Ukraine và xây dựng chiến lược phản ứng nhiều bước, tùy theo diễn biến hành động của Nga. Ngoại trưởng Blinken và "Đội Hổ" đánh giá rằng hoạt động quân sự của Nga cuối tuần trước đã vượt qua một "lằn ranh" khác trong kế hoạch.
"Đội Hổ" là nhóm do giám đốc chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Alexander Bick dẫn dắt. Họ gồm các quan chức và chuyên gia từ cộng đồng tình báo, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, An ninh Nội địa, Bộ trưởng Quốc phòng, Văn phòng Tham mưu trưởng Liên quân, Bộ Năng lượng và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ.
Nhiệm vụ chính của nhóm là tập trung nghiên cứu những hành động có thể ngăn chặn một cuộc tấn công từ Nga, cũng như xây dựng chuỗi phản ứng sẽ được kích hoạt nếu Nga tấn công Ukraine, bao gồm các biện pháp trừng phạt, chuyển quân, thông điệp ngoại giao, an ninh cho nhân viên đại sứ quán, hỗ trợ nhân đạo và tác chiến trên không gian mạng.
Vài ngày trước đó, Tổng thống Biden đã phê chuẩn một hành động khác được nhóm này đề xuất, điều 3.000 lính dù tinh nhuệ từ Sư đoàn Dù 82 tại căn cứ Fort Bragg, Bắc Carolina, đến Ba Lan. Ngày 3/2, ông quyết định giải mật và công bố thông tin tình báo về một kế hoạch tiềm tàng của Nga mà theo ông là nhằm tạo cớ để động binh với Ukraine.
Những động thái của Tổng thống Biden, như lời các quan chức Nhà Trắng mô tả, đã cho thấy Mỹ đang phản ứng với động thái tập trung quân của Putin như thể một cuộc tấn công tổng lực nhằm vào Ukraine sắp diễn ra.
Quân đội Nga hôm 15/2 thông báo đang rút một số đơn vị đóng quân gần biên giới Ukraine trở về căn cứ, nhưng các quan chức Mỹ và châu Âu cảnh báo họ chưa nhìn thấy bằng chứng về tuyên bố này. Thay vào đó, giới chức tình báo Mỹ cho biết Nga gần đây thậm chí còn điều thêm quân tới khu vực.
Tổng thống Biden ngày 17/2 nói với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng ông nghĩ nguy cơ Nga xâm lược là "rất cao" và việc Moskva tuyên bố rút quân chỉ là "đòn nghi binh".
"Mọi dấu hiệu mà chúng tôi nắm được đều cho thấy họ chuẩn bị tiến vào Ukraine, để tấn công Ukraine", ông cho hay. "Tôi có cảm giác nó sẽ diễn ra trong vài ngày tới".
Tổng thống Biden và Putin lâu nay vẫn ở vào thế đối đầu cân não nhằm khiến đối phương thất thế thông qua hàng loạt biện pháp phối hợp, từ ngoại giao, tình báo, quân sự đến kinh tế. Ai là người sẽ chiến thắng hiện vẫn chưa rõ ràng.
Một số chuyên gia cho rằng Tổng thống Biden đã chống lại rất hiệu quả những chiến lược của người đồng cấp Nga nhằm chia rẽ mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu. Nỗ lực xử lý khủng hoảng Ukraine đã giúp "hóa giải phần nào những vấn đề mà chúng tôi gặp phải trong việc tập hợp đồng minh kể từ sau khi rút quân khỏi Afghanistan", Alexander Vershbow, cựu đại sứ Mỹ tại Nga, cựu phó tổng thư ký NATO, nhận xét. "Mỹ đang thể hiện năng lực lãnh đạo tiến bộ hơn nhiều. Điều đó khiến các đồng minh yên tâm ngay cả nếu cuộc khủng hoảng này dẫn đến những bước ngoặt khác".
Nhưng số khác chỉ ra rằng Tổng thống Putin đã tìm ra cách buộc Mỹ phải chú ý đến những quan ngại an ninh của Nga và Tổng thống Biden giờ đây buộc phải phản ứng với mọi động thái của Moskva. Sau khi Putin tăng cường hiện diện quân sự của Nga gần Ukraine vào đầu năm ngoái, Biden đã đến Geneva vào tháng 6/2021 với hy vọng thiết lập lại quan hệ giữa Moskva và Washington theo chiều hướng tích cực hơn.
"Mỹ đã đặt tiền đề không đúng cho cuộc gặp", James Goldgeier, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học American, đánh giá. "Để đối phó với động thái tăng cường lực lượng của Nga, Tổng thống đã đề nghị họp thượng đỉnh. Đó là dấu hiệu cho thấy nếu Putin muốn gây chú ý, đây là cách tốt để đạt được mục đích".
Thách thức đối với Tổng thống Biden lúc này là rất lớn, theo giới quan sát. Một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine có khả năng làm rung chuyển Phố Wall, tăng giá khí đốt trong bối cảnh Mỹ đang đối mặt tình trạng lạm phát cao, đồng thời tạo ra cái cớ để đảng Cộng hòa tung thêm những đòn tấn công chính trị về phía ông. Sau cuộc rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan mùa hè năm ngoái, đây là lần thử nghiệm chính sách đối ngoại lớn thứ hai của Biden trên cương vị tổng thống và ông phải tránh tối đa để xảy ra sai sót.
Chiến lược của Biden đến nay là cầm chân Putin và chuẩn bị đối phó nếu Nga tấn công. Tăng cường triển khai quân đội Mỹ ở Đông Âu, sơ tán nhân viên đại sứ quán ở Ukraine và giải mật tin tình báo về ý định của Nga là những bước đi được "Đội Hổ" đưa ra.
Một quan chức chính quyền tham gia vào nỗ lực này cho biết trọng tâm chính trong các hành động của Mỹ đến nay vẫn là ngăn chặn và răn đe Nga, nhưng Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cũng cho rằng cần phải lên kế hoạch sẵn sàng cho các hành động trong những tuần sau khi Nga tấn công Ukraine.
"Đội Hổ" đã thực hiện hai tình huống giả định với các bộ trưởng để đánh giá cách phản ứng và tìm ra mọi lỗ hổng trong kế hoạch.
"Thực tế là những gì người Nga có thể làm sẽ không giống 100% với bất kỳ tình huống nào trong số này", Phó cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jon Finer cho hay. Tuy nhiên, theo ông, mục tiêu chính của nhóm là lên kế hoạch chi tiết nhất có thể để giảm tối đa thời gian đưa ra phản ứng một cách hiệu quả trước kịch bản Nga động binh.
Một hành động mà nhóm đề xuất là công bố thông tin tình báo mới nhất có thể về các kế hoạch của Nga nhằm khiến Moskva không thể tạo cớ cho một cuộc tấn công nhằm vào Ukraine. Biden thích ý tưởng này và thúc đẩy nó.
"Chúng tôi đã minh bạch với người dân Mỹ và thế giới về các kế hoạch của Nga cũng như mức độ nghiêm trọng của tình hình để mọi người có thể tự nhìn thấy những gì đang xảy ra", Tổng thống Mỹ nói ngày 15/2 tại Nhà Trắng, đề cập đến việc Nga tăng cường quân xung quanh Ukraine. "Chúng tôi đã chia sẻ những gì mình biết và những gì chúng tôi đang làm".
Trong giới chính sách đối ngoại ở Washington, chiến thuật này được gọi là "răn đe bằng cách tiết lộ". Vershbow nói. Những thông tin của Mỹ "chắc chắn đã khiến Nga phải giữ thế phòng thủ, thậm chí buộc họ phải thay đổi một số kế hoạch".
Căng thẳng Nga - Mỹ tiếp tục leo thang vào ngày 17/2 khi Nga trục xuất phó đại sứ Mỹ tại Moskva và xuất hiện thông tin về các cuộc pháo kích ở miền đông Ukraine cũng như có báo cáo rằng quân đội Nga đang chuyển nguồn máu dự trữ cho các binh sĩ ở tiền tuyến. Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã phải hủy chuyến công tác tới Đức để tới dự cuộc họp Liên Hợp Quốc về cuộc khủng hoảng.
Các quan chức tình báo Mỹ tin rằng Tổng thống Nga Putin chưa quyết định có nên động binh hay không và vẫn có thể phát động tấn công trong những ngày hoặc tuần tới. Nhưng có những dấu hiệu cho thấy Putin chưa đạt được nhiều thành công với chiến lược gây sức ép tối đa của mình.
Thay vì bị chia rẽ và rối loạn, các nước châu Âu đến nay vẫn đoàn kết cùng Mỹ ứng phó Nga. Các cuộc thảo luận nhằm ứng phó với tình hình Ukraine đã "đưa NATO xích lại gần nhau hơn" với một "thông điệp thống nhất hơn và quyết tâm cao hơn", Vershbow nói.
Xem thêm:
- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
- Bốn tháng khủng hoảng Nga - Ukraine sục sôi
- Vì sao Nga không động binh với Ukraine?
- Mỹ muốn gì trong khủng hoảng Ukraine?
Vũ Hoàng (Theo Time)