Sau mỗi bài viết bàn về giải pháp giao thông cho Hà Nội, tôi thấy nhiều người đề xuất di dời các trường đại học ra khỏi nội đô. Đây được xem như một giải pháp để giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông.
Nhưng phương án này vẫn có hạn chế. Tôi lấy ví dụ, khu đô thị đại học Quốc gia TP HCM nằm trên địa bàn TP Thủ Đức và TP Dĩ An (Bình Dương), cách trung tâm thành phố hơn 20 km.
Nơi này có hai khu ký túc xá rộng lớn, sáu trường đại học, chưa tính luôn ĐH Nông Lâm... Hàng chục nghìn sinh viên về ở đây và học tập. Nhưng nội thành TP HCM vẫn tắc đường.
Tôi có nhiều bạn bè làm giảng viên đại học, nhà ở trung tâm, sáng vẫn đi xe đưa rước của trường từ cơ sở 1 trong nội thành xuống cơ sở 2 ở khu đô thị này giảng dạy. Ai đến muộn thì tự túc phương tiện.
Quay lại vấn đề, địa điểm quy hoạch và xây dựng mới Đại học Quốc gia Hà Nội nằm trên đất huyện Thạch Thất, Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km về phía Tây. Câu chuyện có vẻ tương tự như ở TP HCM.
Mặc dù việc di dời trường đại học ra ngoại thành có thể giảm bớt một phần áp lực lên hệ thống giao thông nội đô, nhưng đây không phải là giải pháp căn bản và lâu dài. Có ba lý do chính khiến việc di dời này không thể giải quyết triệt để tình trạng tắc đường:
Hạ tầng giao thông chưa đồng bộ: Việc di dời các trường đại học đòi hỏi một hệ thống giao thông công cộng hiện đại và hiệu quả kết nối giữa trung tâm thành phố và các khu vực ngoại ô.
Tuy nhiên, hiện nay, hạ tầng giao thông tại Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là ở các khu vực ngoại thành. Điều này khiến sinh viên và giảng viên vẫn phải sử dụng phương tiện cá nhân để di chuyển vào trung tâm: để làm thêm, tổ chức sự kiện, giảng viên nhà ở trung tâm đi làm ngoại làm... làm gia tăng áp lực lên hệ thống giao thông.
Tập trung dịch vụ tại trung tâm: Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, tập trung hầu hết các cơ quan hành chính, bệnh viện, trung tâm thương mại, và các cơ sở văn hóa. Dù sinh viên có được di dời ra ngoại thành, nhu cầu về việc làm, giải trí thậm chí khám chữa bệnh... vẫn buộc họ phải thường xuyên di chuyển vào trung tâm.
Điều này đồng nghĩa với việc lượng phương tiện cá nhân lưu thông vào trung tâm vẫn sẽ rất lớn.
Sinh viên ra ở ngoại thành, phòng trọ nội thành trống trong một thời gian, rồi cũng sẽ nhanh chóng bị lấp đầy bởi hiệu ứng cát chảy. Trên sa mạc, cứ múc cát nơi này đổ đi, cát nơi khác sẽ lại chảy đến. Đơn giản vì nhu cầu nhà ở nội thành của người đi làm vẫn rất cao, họ sẽ nhanh chóng lấp khoảng trống mà sinh viên để lại.
Vì thế, rốt lại, việc di dời trường đại học ra ngoại thành chỉ là một trong những giải pháp, và nó không thể giải quyết triệt để vấn đề tắc đường tại Hà Nội. Để giải quyết vấn đề này một cách bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân. Việc xây dựng một hệ thống giao thông thông minh, hiện đại và bền vững là điều cấp bách.
*Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ phương án giúp Hà Nội bớt tắc đường qua địa chỉ email:bandoc@vnexpress.nethoặc ấn vào box bên dưới.
Trung