Năm 2022, nghe tin Hà Nội dự kiến cấm xe máy tại các quận sau năm 2025 tôi thấy mừng. Nhưng nay đã gần hết năm 2024, 2025 sắp tới, chỉ còn hơn một năm nữa thôi, tôi không biết kế hoạch này sẽ đi về đâu.
Là người thường xuyên đi bộ ở Hà Nội, tôi hiểu rõ cái 'tiện' của xe máy đối với người sử dụng.
Xe máy có thể len lỏi qua từng khe hở, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ và thậm chí chiếm luôn làn đường của người đi bộ. Nhưng cái "tiện" này chỉ là bề nổi, là thứ mà nhiều người vin vào để bảo vệ sự tồn tại của xe máy. Thực tế, điều này gây nên sự hỗn loạn và khiến giao thông Hà Nội trở nên ngột ngạt hơn bao giờ hết.
Xe máy không phải chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là biểu tượng của một lối tư duy lỗi thời, nơi mà quy hoạch đô thị, hạ tầng và văn hóa giao thông dường như đã "đi lùi".
Hệ thống đường sá Hà Nội trở nên chằng chịt với các ngách nhỏ và hẻm tắc. Phương tiện công cộng khó lòng đáp ứng được nếu không có những biện pháp thay đổi triệt để.
Tại sao lại không thử xe đạp miễn phí tại các bến xe buýt hay tàu điện, để người dân tiện lợi di chuyển từ nhà ra trạm giao thông công cộng? Đó có thể là bước đầu trong quá trình giúp mọi người "tự chuyển hóa" ý thức, và thấy được cái lợi ích thực sự của việc từ bỏ xe máy.
Tuy nhiên, không thể chỉ nói "cấm xe máy" là giải quyết được mọi vấn đề. Tình hình hiện nay giống như một chiếc cầu bập bênh: nhấn bên này xuống thì bên kia bị đẩy lên.
Nếu vội vàng cấm xe máy khi giao thông công cộng chưa phát triển, nhiều người mua ôtô, và tắc đường sẽ trở nên khủng khiếp hơn bao giờ hết. Do đó, quá trình này phải diễn ra từ từ, cần có lộ trình cụ thể để cân bằng dần dần. Khi hệ thống giao thông công cộng hoàn thiện, người dân sẽ thấy tiện ích và sẵn sàng sử dụng. Đó là lúc thích hợp để tiến hành loại bỏ xe máy và giảm dần các phương tiện cá nhân khác.
>> Buýt điện có giúp Hà Nội bớt ô nhiễm không khí?
Việc cấm xe máy không chỉ là vấn đề giao thông, mà còn là cuộc chiến với thói quen. Nhiều người vẫn bảo vệ xe máy vì nó gắn với "miếng cơm manh áo", nhưng khi xã hội phát triển, những công việc liên quan đến xe máy cũng sẽ dần biến mất, nhường chỗ cho những cơ hội mới. Thói quen đi xe máy tiện lợi chỉ vì nó đã ăn sâu vào cuộc sống hàng ngày. Nhưng khi phương tiện công cộng được quy hoạch đúng đắn và vận hành hiệu quả, sẽ không còn lý do gì để giữ lại thói quen này.
Tôi hoàn toàn ủng hộ việc cấm xe máy, nhưng không phải "cấm càng sớm càng tốt". Cái vòng luẩn quẩn "cấm xe máy thì trước hết phải phát triển phương tiện công cộng" và "vì không cấm xe máy nên phương tiện công cộng không được ưa chuộng" giống như chuyện "trứng và gà, cái nào có trước". Thay vào đó, cần một lộ trình dài hơi và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng: cấm xe máy, thu phí ôtô, khuyến khích dùng xe điện.
Hãy khuyến khích người dân sử dụng metro và xe buýt công cộng, đồng thời giảm dần số lượng xe máy. Cắt giảm bao nhiêu, ở đâu, do ai thực hiện là chuyện của các nhà lãnh đạo với tầm nhìn quản lý, nhưng cắt thói quen của người dân sẽ cần thời gian.
Cấm xe máy không phải chỉ là việc làm ngay bây giờ, mà là tương lai tất yếu. Và khi đã quyết định làm, Hà Nội cần phải dũng cảm đối mặt với mọi thử thách để cải thiện không chỉ giao thông, mà còn cả chất lượng sống của người dân.
>>Quan điểm của bạn thế nào?
Bạch Kim