20 con chuột túi khổng lồ châu Phi được nhập từ Tanzania trải qua quá trình huấn luyện khắc nghiệt để tham gia dò mìn tại Campuchia. Đây là thế hệ "chuột săn mìn" mới tham gia chương trình xử lý ô nhiễm bom mìn kéo dài hàng thập kỷ tại Campuchia.
"Tất cả chúng đều tham gia công việc dễ dàng và không quan tâm đến người điều khiển là ai", So Malen, một huấn luyện viên chuột dò mìn, cho biết trong buổi huấn luyện ngày 11/6 cho 7 con chuột tại tỉnh Preah Vihear. "Bất cứ ai trong số chúng ta đều có thể điều khiển chúng. Điều quan trọng nhất là chúng không cắn".
Vài thập kỷ sau khi chiến tranh kết thúc, Campuchia vẫn là một trong các quốc gia hứng chịu ô nhiễm bom mìn lớn nhất thế giới. Khoảng 1.000 km2 diện tích nước này vẫn còn bom mìn và vật liệu nổ. Campuchia cũng là quốc gia có tỷ lệ người khuyết tật cao nhất thế giới, với hơn 40.000 người mất tay chân vì vật liệu nổ.
APOPO, tổ chức quốc tế chuyên huấn luyện chuột dò mìn, cho biết 20 con chuột mới sẽ thay thế nhiệm vụ cho nhóm vừa nghỉ hưu, trong đó có con chuột mang tên Magawa. Trong 5 năm, chuột Magawa phát hiện 71 quả mìn và 28 vật liệu nổ khác.
Huấn luyện viên So Malen cho biết những con chuột với khứu giác đặc biệt có thể đảm bảo kết quả dò tìm và khác biệt giữa chúng là tốc độ làm việc. "Khác biệt giữa Magawa và đồng loại là con chuột anh hùng này làm việc nhanh hơn những con khác", So Malen nói.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)