"Chính phủ Việt Nam là đối tác rất lớn của Mỹ trong khắc phục hậu quả chiến tranh, không chỉ với vấn đề rà phá bom mìn, mà còn bao gồm tìm kiếm người mất tích, xử lý dioxin và chất độc da cam", Jerry Guilbert, giám đốc Chương trình Cắt giảm và Giải trừ Vũ khí Thuộc Cục Chính trị - Quân sự thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, nói trong cuộc họp báo trực tuyến hôm 6/4.
Ông Guilbert cho biết một trong những thành tựu lớn nhất trong hợp tác Việt - Mỹ nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh là "không còn người thiệt mạng do bom mìn sót lại ở tỉnh Quảng Trị trong những năm gần đây", đồng thời đề cao tỉnh Quảng Trị đã tiên phong ứng dụng nhiều kỹ thuật, công nghệ mới nhằm xử lý vật liệu nổ còn sót lại.
Quan chức Mỹ cho rằng hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh đạt nhiều tiến triển quan trọng nhờ nỗ lực từ hai chính phủ, cũng như các địa phương, tổ chức phi chính phủ và cá nhân. "Chúng tôi đặt mục tiêu loại bỏ mối đe dọa từ bom mìn còn sót lại ở Quảng Trị trước năm 2026", ông Guilbert nói thêm.
Từ năm 2014 đến 2019, Quảng Trị nhận 100 triệu USD viện trợ phi chính phủ nước ngoài, bình quân mỗi năm đón nhận 38 dự án mới. Trong đó, các chương trình, dự án khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Quảng Trị đã giúp giảm thiểu tai nạn, số nạn nhân bom mìn, giảm tổn thất cho người dân và chi phí cho xã hội, tăng diện tích đất phục vụ canh tác, định cư.
Bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh là mối đe dọa thường trực ở nhiều nước tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương kể từ thời Thế chiến II. Đông Nam Á được coi là khu vực chịu nhiều nguy hiểm nhất từ vật liệu nổ trong chiến tranh, trong khi bom mìn cũng là rào cản phát triển kinh tế và nông nghiệp ở nhiều quốc đảo Thái Bình Dương.
Kể từ năm 1993, Mỹ đã cung cấp khoảng 665 triệu USD cho khu vực Đông Á và Thái Bình Dương để nâng cao năng lực rà phá bom mìn tại địa phương, giáo dục về mối đe dọa của vật liệu nổ, hỗ trợ nạn nhân và cải thiện quản lý các loại vũ khí, đạn dược nguy hiểm ở một số quốc gia.
Vũ Anh