"Mới đầu, chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, nhất là khi đi trên đường với bộ quần áo bảo hộ chống bom mìn", Gulandam, một trong 16 thành viên của đội nữ rà phá bom được Cơ quan Hành động Bom mìn Liên Hợp Quốc (UNMAS) tài trợ. Gia đình Gulandam vô cùng lo lắng bởi công việc này quá nguy hiểm đối với phụ nữ.
Afghanistan là quốc gia nguy hiểm nhất đối với phụ nữ, theo xếp hạng của Tổ chức Ân xá Quốc tế có trụ sở ở Anh. Vụ ám sát Mina Mangal, nhà báo, cố vấn chính trị nổi tiếng người Afghanistan hồi tháng 5 càng cho thấy tình trạng mất an toàn đối với phụ nữ ở quốc gia này.
Gulandam hiểu những rủi ro có thể xảy đến khi làm công việc này mỗi ngày. Ước tính có gần 100 người Afghanistan chết vì bom mìn còn sót lại sau chiến tranh mỗi tháng.
Bất chấp rủi ro, những người phụ nữ như Gulandam vẫn tiên phong trong các nỗ lực rà phá bom mìn ở Afghanistan. Hồi tháng 10, Bamyan trở thành tỉnh đầu tiên ở Afghanistan xóa sạch bom mìn nhờ đóng góp của đội rà phá bom với hầu hết thành viên là phụ nữ địa phương này.
Hoạt động rà phá bom mìn ở Afghanistan từ năm 1989 đến nay đã giúp loại bỏ hơn 18 triệu vật liệu nổ, nhưng phụ nữ mới chỉ tham gia hoạt động nguy hiểm này từ năm ngoái.
Từ khi lên nắm quyền năm 1996, Taliban đưa ra nhiều quy định hà khắc đối với phụ nữ Afghanistan như không được đi học, đi làm hay ra khỏi nhà mà không có đàn ông đi kèm. Dù Taliban đã bị lật đổ, phụ nữ ở đây vẫn đối mặt với nhiều rủi ro trước nguy cơ bị tấn công từ các nhóm bảo thủ hoặc thành viên trong gia đình.
Bamyan, nằm cách thủ đô Kabul 250 km về phía tây, là trung tâm văn hóa của cộng đồng người Shia Hazara, nơi có những bức tượng Phật nổi tiếng từng bị phiến quân Taliban phá hủy năm 2001.
"Khi làm công việc rà phá, tôi thấy mình giống như người lính chiến đấu với kẻ thù giấu mặt là những quả bom, mìn", Gulandam chia sẻ.
Công việc này nhiều rủi ro và yêu cầu sự tỉ mỉ. Đội nữ phá mìn này từng mất cả tháng để dò hết bom mìn trên một khu vực rộng 10.000 mét vuông, tương đương diện tích một sân bóng đá. Họ sử dụng máy dò kim loại để phát hiện mìn, sau đó đánh giá và phân loại trước khi đưa ra phương án xử lý, như nổ có kiểm soát, gỡ bỏ hoặc vô hiệu hóa ngòi nổ.
Gulandam vẫn nhớ lần rà phá một trong những bãi mìn cuối cùng ở Bamyan, đội của cô dò dẫm suốt hai tiếng để tìm kiếm bom mìn trên một bãi đá. Chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể khiến họ mất tay chân hoặc tệ hơn nữa.
"Tôi đã chứng minh cho gia đình thấy rằng nếu đàn ông làm được các công việc nguy hiểm, phụ nữ cũng có thể", Gulandam nói.
Khi bom mìn được loại bỏ, họ không chỉ bảo vệ tính mạng của nhiều người Afghanistan, mà người dân nơi đây còn có thêm đất để canh tác nông nghiệp.
"Người dân ở Bamyan giờ đây đánh giá cao công việc mà chúng tôi đang làm, và những lời trêu chọc, lăng mạ cũng không còn nhiều nữa", Gulandam chia sẻ.
Ở một đất nước khó tìm việc như Afghanistan, rà phá bom mìn đã mang tới cho phụ nữ nơi đây nhiều cơ hội quý giá. "Động lực chính khiến tôi tham gia đội là muốn độc lập về tài chính", Mamlakat, thành viên của đội, cho biết.
Sau khi ly hôn chồng cách đây 9 năm, Mamlakat chuyển về sống cùng bố mẹ, nhưng cô cần tiền để nuôi con gái. "Tôi thấy hạnh phúc khi làm công việc này, bởi nó giúp tôi giải quyết vấn đề tài chính và góp phần bảo vệ an toàn cho mọi người", Mamlakat nói.
Fezah Fezayee, một thành viên khác của đội, đã dùng tiền lương được trả từ hoạt động rà phá bom mìn để giúp chồng có cơ hội quay lại trường học.
"Phụ nữ Afghanistan đã trải qua thời kỳ đầy đen tối, nhưng thật khó tin khi giờ đây họ dám đứng lên thách thức những định kiến để trở thành người rà phá bom mìn", Makiz Nasirahmad, nhân viên của UNMAS, cho hay. "Tôi tin điều này sẽ truyền cảm hứng cho phụ nữ Afghanistan, và là biểu tượng cho nữ quyền ở đất nước này".
Thanh Tâm (Theo Independent)