Nửa đêm, anh Võ Văn Hạ, 28 tuổi, người điều phối lấy mẫu, phân luồng F0, F1 ở nhà máy Công ty TNHH Timberland, thị xã Tân Uyên, mới có thời gian đọc tin nhắn từ gia đình. Sau khi trả lời cho ở nhà yên tâm, anh tắt điện thoại, tranh thủ chợp mắt để "lấy sức mai còn chiến đấu". Nửa tháng qua, công ty phát hiện hơn 200 ca dương tính khi thực hiện "3 tại chỗ". Nhóm anh Hạ với khoảng 30 người, là nhân viên nhà máy trở thành lực lượng chính chăm sóc nhiều F0, hơn 1.300 công nhân là F1, F2 cách ly tại nơi làm việc.
Nhóm hỗ trợ chia thành các đội nhỏ để thuận tiện thực hiện từng công việc. 20 người khoẻ nhất đảm nhận ngày 3 lần đến nhà bếp lấy hơn 1.300 suất ăn mang tới từng phòng cho công nhân được yêu cầu ở lại để theo dõi. 5 thành viên tham gia điều phối, hỗ trợ lực lượng y tế xét nghiệm. Sau khi có kết quả, họ sẽ phân luồng, truy vết F1, bố trí nơi cách ly, làm hồ sơ ca bệnh. Số còn lại sẽ nhận phun khử khuẩn, trực tiếp chăm sóc F0.
Theo anh Hạ, lúc triển khai phương án "vừa sản xuất, vừa cách ly", toàn bộ công nhân được bố trí ăn ở tại ký túc xá. Doanh nghiệp cũng lập khu cách ly tập trung F1. Tuy nhiên khi bùng phát hàng loạt ca F0, lại chưa được y tế địa phương đưa đi điều trị, khu cách ly F1 của nhà máy trở thành nơi chăm sóc ca nhiễm. Nhà máy cũng dừng sản xuất từ hôm 17/7 sau hai ngày thực hiện phương án "3 tại chỗ". Tất cả công nhân phải cách ly tại phòng, cơm nước được đưa tận nơi.
Cứ 2-3 ngày nhà máy lại test sàng lọc với trên 1.000 mẫu nên nhóm anh Hạ phải làm việc gần như ngày đêm. Thời gian đầu khi mới phát hiện ca nhiễm, một số công nhân không chấp nhận kết quả, khóc rất nhiều. Thành viên trong đội phải liên tục động viên do nhiều F0 từ chối hợp tác, không cung cấp thông tin, tắt điện thoại. Thậm chí, lực lượng hỗ trợ phải đến tận phòng thuyết phục, chấp nhận tiếp xúc gần ca bệnh.
Là thành viên của tổ chăm sóc F0, hai tuần qua cứ ngày 2 lần anh Nguyễn Sơn Duy, nhân viên bộ phận tuyển dụng Công ty Timberland, mặc đồ bảo hộ, khẩu trang, găng tay, mặt nạ chắn giọt bắn đi đo nhiệt độ, phát thuốc hạ sốt, vitamin cho trường hợp ho, nóng sốt. Các F0 là phụ nữ mang thai, người lớn tuổi nếu dấu hiệu trở nặng sẽ được anh báo ngay cho nhân viên y tế nhà máy kịp thời xử lý.
Bà Phan Thị Cẩm Tú, Phó tổng giám đốc Công ty Timberland cho biết tính đến ngày 29/7, nhà máy ghi nhận tổng cộng 233 ca nhiễm nhưng chỉ một số ca ho, sốt được đưa đi điều trị, số còn lại phải cách ly ở nhà máy. Việc chăm sóc, lo ăn nghỉ cho hàng trăm F0, F1 và hơn một nghìn công nhân đều do đội hậu cần đảm nhận, từng bước giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khủng hoảng.
Cách nhà máy Timberland chừng 20 km, hơn 30 thành viên đội tình nguyện của Công ty TNHH EsTec Vina ở Khu công nghiệp VSIP 1, TP Thuận An, cũng tất bật nhiều ngày qua khi hơn 700 F1 phải cách ly tại nhà máy. Ngày 24/7, đúng một tuần sau khi doanh nghiệp thực hiện ăn nghỉ, sản xuất tại chỗ, 136 trường hợp bị phát hiện dương tính. Đến nay, doanh nghiệp ghi nhận hơn 340 ca nhiễm.
Ông Trương Hùng Dũng, Chủ tịch công đoàn công ty nói rằng nếu tất cả những người thuộc nhóm an toàn đều về nhà thì nhà máy sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong xử lý khi xảy ra dịch. Trước tình thế đó, một số nhân viên công ty đăng ký ở lại. 30 thành viên chia thành 5 đội, mỗi nhóm lo cho khoảng 150 công nhân ăn nghỉ; phân luồng khi đơn vị y tế đến lấy mẫu; nhắc nhở lao động tuân thủ 5K; phun khử khuẩn khuôn viên nhà máy...
"Thực hiện công việc này chúng tôi như làm dâu trăm họ", ông Dũng nói và cho biết đến tối 27/7 nhà máy phát hiện hơn 200 ca dương tính, địa phương chưa bố trí kịp nơi tiếp nhận nên đề nghị ở lại nhà máy một đêm. Nhiều công nhân không hiểu đã rất hoang mang, thậm chí bức xúc. Đội tình nguyện phải cấp tốc sắp xếp chỗ ngủ, động viên F0, trấn an, giải thích để các F1 hiểu. Cả nhóm gần như thức trắng, liên tục kiểm tra nhiệt độ, ho, sốt, phòng khi ca nhiễm chuyển nặng.
Giám đốc sở Y tế Bình Dương Nguyễn Hồng Chương nói những đội tình nguyện như trên rất cần thiết cho nhà máy, phần nào đó giúp y tế địa phương giảm tải khi diễn biễn dịch phức tạp, ca nhiễm tăng cao. Lực lượng này cần được cơ quan y tế tập huấn để kịp thời phối hợp xử lý, phân luồng F0; chuyển các ca nghi nhiễm đến nơi cách ly tập trung chuẩn bị trước hay theo chỉ định ngành y tế...
Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương cho hay từ khi dịch bùng phát, nhiều cán bộ công đoàn cơ sở đã chủ động phối hợp chủ doanh nghiệp thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tại doanh nghiệp và các tổ an toàn Covid tại các phân xưởng, tổ, đội sản xuất hỗ trợ nhà máy. Một số cán bộ công đoàn trực tiếp tham gia truy vết, điều phối, chăm sóc F0, F1 khi dịch lây lan vào nơi sản xuất.
Bình Dương hiện có hơn 1,2 triệu công nhân, lao động làm việc tại nhiều khu công nghiệp. Ở đợt dịch thứ 4, tỉnh phát hiện hơn 12.000 ca nhiễm, trong đó hơn 2.000 trường hợp là công nhân. Vừa qua hơn 150 nhà máy ở địa phương đề nghị dừng phương án "3 tại chỗ" vì phát hiện ca nhiễm khiến lao động hoang mang. Ngoài địa phương này, nhiều nhà máy ở TP HCM, Đồng Nai, Tiền Giang, Cần Thơ... cũng phát hiện ca nhiễm khi tổ chức "vừa sản xuất, vừa cách ly".
Công việc và thu nhập của bạn có đang bị ảnh hưởng vì Covid-19? Nếu có, đừng bỏ qua khảo sát này, do Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) vàVnExpressthực hiện, từ nay tới ngày 5/8. Kết quả khảo sát sẽ được tổng hợp, báo cáo Thủ tướng, làm cơ sở đưa ra các giải pháp cho tình trạng hiện tại.
Lê Tuyết