Trưa 29/7, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết quá trình tổ chức lao động ở lại nhà máy, 150 doanh nghiệp còn gặp khó khăn về thực phẩm, thiếu hụt nguyên vật liệu, công nhân hoang mang không chịu làm việc khi xuất hiện ca nhiễm. Doanh nghiệp muốn dừng phương án "3 tại chỗ" phải xét nghiệm cho tất cả lao động. Những người kết quả âm tính sẽ cách ly ở nhà máy ít nhất 3 ngày, sau đó test lại có kết quả an toàn mới trở về nơi ở.
Hiện, Ban quản lý các khu công nghiệp Bình Dương và chính quyền một số địa phương có hướng dẫn cụ thể về việc ngừng tổ chức sản xuất "3 tại chỗ" gửi các doanh nghiệp. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân, doanh nghiệp phải gửi văn bản đến nơi họ sinh sống, thông báo tình trạng sức khỏe, thời gian đi lại trên đường để các chốt kiểm soát dịch biết, địa phương tiếp nhận.
Bình Dương hiện có hơn 1,2 triệu công nhân lao động làm viêc tại 29 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp. Tính đến ngày 28/7, tỉnh có gần 3.600 doanh nghiệp với khoảng 390.000 công nhân đăng ký ăn nghỉ, sản xuất tại nhà máy. Ở đợt dịch thứ 4, tỉnh phát hiện gần 10.000 ca nhiễm, trong đó hơn 2.000 trường hợp là công nhân. Địa phương đang là vùng dịch xếp thứ hai ở phía Nam, chỉ sau TP HCM.
Hôm nay, UBND Tiền Giang thông báo về việc 9 khu, cụm công nghiệp ở địa phương phải dừng hoạt động từ ngày 5/8 để ngăn ngừa dịch lây lan. Động thái này được tỉnh đưa ra sau khi phát hiện 260 công nhân dương tính tại các nhà máy thực hiện phương án "3 tại chỗ" trong Khu công nghiệp Long Giang (Tân Phước) và Khu công nghiệp Mỹ Tho.
Theo hướng dẫn của tỉnh, từ hôm nay đến ngày 4/8 các công ty trong khu, cụm công nghiệp khẩn trương sắp xếp hoạt động sản xuất kinh doanh, tổ chức xét nghiệm tầm soát bằng phương pháp RT-PCR cho toàn thể công nhân và người quản lý trước khi ngưng hoạt động.
Tiền Giang có 9 khu, cụm công nghiệp đang sản xuất với trên 100.000 công nhân, người lao động. Tỉnh hiện đã ghi nhận 2.378 trường hợp mắc Covid-19, đã điều trị khỏi 342 người và 38 ca tử vong. Tiền Giang cùng 8 tỉnh miền Tây đã áp dụng yêu cầu hạn chế ra đường từ 18h đến 6h hôm sau.
Đồng Tháp, ông Nguyễn Văn Hon, Chủ tịch UBND thành phố Sa Đéc, cho biết đã tạm dừng hoạt động của Công ty Cổ phần Thực phẩm Bích Chi do vi phạm cam kết "3 tại chỗ". Hôm 27/7, 3 ca nhiễm được phát hiện liên quan đến công ty này.
Ngành y tế đã truy vết được 16 F1, xét nghiệm nhanh tất cả công nhân trong nhà máy. Tất cả đều âm tính nCoV và sẽ được đưa về địa phương để tiếp tục cách ly.
Ông Phạm Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Bích Chi, cho biết ngày 23/7, UBND TP Sa Đéc đồng ý cho công ty hoạt động với số lượng lao động là 461 người. Sau đó, lãnh đạo thành phố yêu cầu giảm xuống còn 350 người. "Thành phố yêu cầu giảm lao động mà công ty không kịp giảm là đã sai. Trong tình hình dịch này nếu sản xuất không đảm bảo an toàn chúng tôi hoàn toàn đồng ý sẽ ngừng", ông Bình cho biết.
Theo ông Bình, 3 ca dương không phải người của công ty mà đến để giao nhận hàng. Sau đó họ đi test nhanh để có "giấy thông hành" thì phát hiện dương tính.
Bích Chi là một trong 7 doanh nghiệp tại Sa Đéc được hoạt động. Trước đó, 69 công ty phải ngừng sản xuất do không đảm bảo yêu cầu "3 tại chỗ".
Thành phố Sa Đéc đang tổng lực tầm soát diện rộng và phát hiện nhiều F0 ngoài cộng đồng. Các ngày 26, 27, 28/7 lần lượt phát hiện 73 ca, 77 ca và 52 ca. Bắt đầu tư tối 28/7, thành phố tạm ngừng các hoạt động mua bán, giao dịch sau 18h.
Tính đến sáng nay, Bộ Y tế cập nhật số ca Covid-19 của Đồng Tháp là 2.656 ca.
Hoàng Nam - Lê Tuyết - Ngọc Tài