Trưa 27/7, ông Bùi Thanh Nhân, Bí thư Thành uỷ TP Dĩ An cho biết, toàn bộ ca nhiễm ở công ty đã được đưa đi điều trị, cách ly. Trước đó, doanh nghiệp này có đơn cầu cứu cơ quan chức năng Bình Dương về việc phát hiện nhiều ca nhiễm sau khi tổ chức công nhân ăn ở, làm việc tại nhà máy. Số ca F0 sau khi xét nghiệm PCR quá lớn, khiến công ty kiệt sức, không tự quản lý, kiểm soát tình hình phòng chống dịch.
Theo ông Nhân, Công ty cổ phần kỹ nghệ gỗ Long Việt là đơn vị chủ động triển khai phương án "3 tại chỗ" từ ngày 10/7 khi địa phương chưa yêu cầu. Để thực hiện, công ty giảm quy mô sản xuất nhà máy còn 40% so với trước, chỉ bố trí gần 300 công nhân trong tổng số 800 lao động. Tất cả công nhân trước khi vào nhà máy được xét nghiệm, kết quả âm tính với nCoV.
"Hiện chưa biết việc phòng, chống dịch ở nhà máy hổng ở chỗ nào khiến dịch bùng phát", ông Nhân nói và cho biết đang yêu cầu lãnh đạo Công ty cổ phần kỹ nghệ gỗ Long Việt báo cáo chi tiết.
Thống kê từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bình Dương, tính đến ngày 25/7, tỉnh có hơn 3.700 doanh nghiệp với khoảng 390.000 công nhân đăng ký phương án sản xuất "3 tại chỗ" và "một cung đường, 2 địa điểm" (chỉ duy nhất tuyến đường chở tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở).
Bình Dương hiện có hơn 1,2 triệu công nhân lao động làm viêc tại 29 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp. Ở đợt dịch thứ 4, tỉnh phát hiện hơn 8.400 ca nhiễm, trong đó có gần 2.000 trường hợp là công nhân. Địa phương đang là vùng dịch xếp thứ hai ở phía Nam, chỉ sau TP HCM.
Lê Tuyết