Hình ảnh nổi bật và thường thấy nhất tại Vatican là các binh sĩ mặc trang phục sặc sỡ sọc cam, xanh da trời và đỏ đứng gác. Tuy nhiên, họ không phải là những "lính cảnh" chỉ phục vụ mục đích lễ nghi, mà trên thực tế là các thành viên đội Cận vệ Thụy Sĩ, lực lượng quân sự cấp đại đội đã bảo vệ các đời Giáo hoàng và Thành Vatican trong hơn 5 thế kỷ.
Cận vệ Thụy Sĩ là đơn vị đảm nhận nhiệm vụ canh gác Điện Tông tòa, còn gọi Phủ Giáo hoàng hoặc Thánh điện, tại Vatican. Họ đứng gác ở cửa vào dinh thự của Giáo hoàng cũng như các cổng bên ngoài của Vatican, tháp tùng Giáo hoàng đến mọi nơi, kể cả các chuyến công du nước ngoài.
Thời Trung Cổ, lính đánh thuê Thụy Sĩ nổi tiếng là lực lượng thiện chiến, ký hợp đồng phục vụ ở nhiều nước châu Âu, đặc biệt là ở Pháp và Tây Ban Nha. Năm 1505, giám mục người Thụy Sĩ Matthaus Schiner đề xuất thành lập một đội cận vệ hoạt động dưới quyền kiểm soát trực tiếp của giáo hoàng. Đến ngày 22/1/1506, đội cận vệ Thụy Sĩ đầu tiên do đại úy Kaspar von Silenen chỉ huy tới Vatican.
Họ nhanh chóng chứng minh mình là đội quân tận tụy và không ngại hy sinh. Một trong những trận đánh dữ dội nhất mà đội Cận vệ Thụy Sĩ của Giáo hoàng từng tham gia là vào ngày 6/5/1527, khi 189 thành viên đơn vị cùng 5.000 dân quân bảo vệ Rome đối đầu với lực lượng Tây Ban Nha lên đến 20.000 người.
147 thành viên Cận vệ Thụy Sĩ thiệt mạng trong trận đánh, 42 người còn lại cố gắng cầm chân đối phương để Giáo hoàng Clement VII đến được nơi an toàn.
Thất bại duy nhất trong lịch sử hoạt động của Cận vệ Thụy Sĩ là trận đánh năm 1798, khi đại quân của Napoleon chiếm được Rome, bắt và trục xuất Giáo hoàng Pius VI. Đội Cận vệ Thụy Sĩ cũng bị giải tán, nhưng sau đó được tái lập.
Khi các đơn vị quân đội của phát xít Đức tiến vào Rome trong Thế chiến II, các binh sĩ Cận vệ Thụy Sĩ chuyển sang mặc quân phục màu xám, lập công sự phòng thủ với đại liên và súng cối.
Đội Cận vệ Thụy Sĩ khi đó sẵn sàng chiến đấu tới cùng để bảo vệ Giáo hoàng, bất chấp đối phương áp đảo quân số. Tuy nhiên, phát xít Đức đã không tấn công vào Vatican.
Giống đơn vị quân đội Anh bảo vệ Điện Buckingham, thủy quân lục chiến Mỹ tại Nhà Trắng và trung đoàn Kremlin của Nga, Cận vệ Thụy Sĩ bao gồm những binh sĩ chuyên nghiệp, được huấn luyện và trang bị để chiến đấu với đối thủ có vũ trang nếu cần.
Truyền thống bảo vệ Giáo hoàng trọn đời của Cận vệ Thụy Sĩ vẫn tiếp tục tới nay. Toàn bộ thành viên đơn vị phải thề phục vụ Giáo hoàng và người kế nhiệm "một cách trung thực, trung thành và trong danh dự", đồng thời cống hiến hết mình và sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ họ.
Cũng như các đơn vị quân đội tinh nhuệ khác, thành viên Cận vệ Thụy Sĩ phải trải qua kỳ tuyển chọn rất gắt gao. Tất cả ứng viên phải là nam giới theo Công giáo Roma ở độ tuổi 19-30 và chưa lập gia đình. Họ phải cao ít nhất 1,72 mét, đã hoàn thành khóa huấn luyện trong lực lượng vũ trang Thụy Sĩ.
Sau khi gia nhập Cận vệ Thụy Sĩ, các thành viên phải học cách sử dụng kiếm và kích. Ngoài ra, họ phải duy trì thể lực tốt, sử dụng thành thạo những loại vũ khí hiện đại như súng ngắn SIG Sauer 9 mm và tiểu liên do hãng Heckler & Koch sản xuất. Ngoài ra, thành viên Cận vệ Thụy Sĩ phải phát triển kỹ năng cận chiến, di chuyển chiến thuật, an ninh và kỹ năng chống khủng bố.
Giáo hoàng Paul VI vào năm 1970 giải tán toàn bộ đơn vị vũ trang của Vatican, chỉ giữ lại đội Cận vệ Thụy Sĩ, nhằm nhấn mạnh bản chất tôn giáo của Vatican và đơn giản hóa quy trình quản lý tòa thánh. Trong trường hợp cần hỗ trợ an ninh, Vatican sẽ gọi cảnh sát Italy.
Trước đây, các thành viên Cận vệ Thụy Sĩ sống độc thân trong thời gian phục vụ. Tuy nhiên, sau một số thay đổi của Giáo hoàng Francis, thành viên Cận vệ Thụy Sĩ có thể kết hôn sau 5 năm phục vụ trong đơn vị. Quyết định này được cộng đồng hoan nghênh khi sự nghiệp trong Cận vệ Thụy Sĩ không còn quyết định cuộc sống cá nhân của họ.
Giáo hoàng Francis năm 2018 cũng quyết định tăng quân số của Cận vệ Thụy Sĩ từ 110 lên 135 thành viên nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Những người sống và làm việc bên trong tường thành của Vatican luôn tin tưởng rằng những thành viên của "đội quân nhỏ nhất thế giới" sẽ tiếp tục bảo vệ Tòa thánh và Giáo hoàng trước mọi mối đe dọa.
Nguyễn Tiến (Theo Guardian)