"Đọc sách nhiều nhưng lương chỉ có 9 triệu thì cũng nên xem lại những cái mà mình đọc có mang lại giá trị thiết thực, phục vụ cho chính công việc kiếm ra tiền, phục vụ cho chính cuộc sống của anh hay không? Hay chỉ phí phạm thời gian vào những thứ đâu đâu, không có ích lợi gì cho chính mình.
Tôi trước đây là một người khá ham đọc sách, cũng mua nhiều sách để đọc, để mong tìm ra con đường phát triển sự nghiệp cho bản thân mình khi mà xung quanh không có ai để chỉ bảo đường lối.
>> Nhiều người đọc sách chỉ để lấy số lượng nên nghèo là phải
Nhưng một ngày tôi nhận ra những kiến thức mà những cuốn sách này mang đến chẳng có tác dụng gì để giúp tôi có cuộc sống khá hơn, kiếm ra nhiều tiền hơn. Nó phi thực tế, ít nhất là ở Việt Nam.
Tôi quyết định từ bỏ, không lãng phí thời gian vào đọc sách nữa. Ngẫm lại, sau hơn 5 năm đọc rất nhiều sách, tốn vô số tiền mua thì thứ mình nhận lại chỉ là mớ kiến thức sách vở không có giá trị sử dụng thực tế gì".
Độc giả stevehoanganh bình luận như trên, kể về trải nghiệm của bản thân và đặt câu hỏi về mối tương quan giữa đọc sách và lợi ích mang lại, trên góc độ kinh tế. Bình luận này được viết sau bài Chồng lương 9 triệu nhưng mua sách bọc da 3 triệu vì đam mê. Vấn đề nhận được sự quan tâm, thảo luận của độc giả VnExpress.
Từ góc độ chi tiền cho đam mê, độc giả Hàn Lập nói: "Tôi cũng có đam mê, cũng thích nhiều. Nhưng mỗi lần tính chi cho đam mê, tôi lại nghĩ số tiền đó cắn vào tiền đầu tư, tiền cho gia đình, tiền tiết kiệm phòng thân thì lại kìm cái thèm khát đó lại. Mặc dù lâu lâu tích một khoản tiền đủ cho đam mê nhưng phải trong thời gian dài. Cách duy nhất phục vụ đam mê là kiếm nhiều hơn".
"Nhớ thời sinh viên và sau khi đi làm vài năm lúc chưa có vợ, tôi rất thích đọc sách và truyện tranh nhưng không có nhiều tiền để mua. Cũng hên trong nhóm có mấy bạn cũng y chang anh trai tác giả, mua rất nhiều sách nhưng chủ yếu để cho có chứ không thèm đọc.
Thế nên tôi được ké lọc của các bạn ấy rất nhiều, mượn đọc xong thì trả lại. Nhiều bạn còn kêu tóm tắt nội dung cho họ đi chứ họ làm biếng đọc sách lắm", độc giả nickname Bộ Xương Khô kể.
Độc giả Chi Chi tin rằng sách là nguồn tri thức quý giá, dù đôi khi ta chưa thể thấy được tác động ngay lập tức, nhưng nó sẽ giúp ta mở rộng tầm nhìn, học cách chắt lọc kiến thức qua thời gian:
"Trưng sách cũng như một thú vui sưu tầm, người mua về chỉ để trưng khoe mẽ thì mới vấn đề, còn những người họ ham mê sách thật, đọc rồi và muốn lưu giữ thì không có gì đáng lên án. Sách hơn cả là nguồn tri thức lớn, có thể nó chưa tác động được đến anh nhưng sẽ đem lại cho anh nhiều tri thức, nhiều khía cạnh, nhiều góc nhìn, tự bản thân sẽ biết chắt lọc kiến thức khi đọc nhiều".
Độc giả tamduc: "Trước kia còn trẻ, tôi rất hay mua sách về đọc. Đọc xong lại để gọn vào các ngăn tủ như trưng bày, cũng là để khi ta nhìn thấy sách nào ta đọc thấy hay thì với đọc lại.
Nhưng lại đáng buồn với nhiều người, họ tới nhà chơi, thấy sách lấy đọc, họ trả để lại chỗ cũ hoặc họ bảo mượn về đọc xong không thèm trả lại. Khi hỏi thì họ lại kiểu trách có cái quyển sách cũ mà cứ nhắc đòi phát chán.
Thế là từ đó, tôi mà mua sách về đọc thì ghi luôn ở ngay trang đầu tin là 'Đọc xong để lại chỗ cũ, sách miễn mượn', từ đó xem như không mất sách nữa. Tới khi có kết nối mạng (1999) tôi lại ít mua sách. Đã ham đọc sách thì mua, còn mua chỉ để trưng bày khoe thì không nên mua".
Bỏ qua yếu tố thích độc sách, độc giả nickname cuongphong1234sp nói đi làm kiếm tiền phục vụ cho cuộc sống, trong đó có đam mê và đưa ra giải pháp để tránh xung đột tài chính gia đình:
"Tôi thấy nhiều người vợ chồng làm ít tiền cũng kêu, làm nhiều thì nói của chồng công vợ. Lương của chồng cũng phải chia đôi. Vậy nên anh chồng mới không chịu làm.
Tốt nhất là chi phí chung và tiền tiết kiệm chia đều nhau. Còn lại tiền của ai thì người đó giữ và có toàn quyền quyết định mà không cần hỏi ý kiến hoặc thông báo cho người còn lại. Ai làm ra tiền, người đó làm chủ cuộc sống".
Hữu Nghị tổng hợp