Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) hôm 6/12 công bố danh sách 25 tập đoàn quốc phòng dẫn đầu thế giới về doanh số bán vũ khí, trong đó lần đầu thống kê số liệu của các doanh nghiệp quốc phòng Trung Quốc.
Nghiên cứu của SIPRI cho thấy 25 tập đoàn quốc phòng lớn nhất thế giới đã bán được tổng cộng 361 tỷ USD vũ khí và dịch vụ quân sự trong năm 2019, tăng 8,5% so với một năm trước đó. 12 tập đoàn Mỹ chiếm 61% giá trị danh sách với tổng doanh thu 221,2 tỷ USD, trong đó 5 doanh nghiệp đứng đầu đều của Mỹ gồm Lockheed Martin, Boeing, Northrop Grumman, Raytheon và General Dynamics.
4 doanh nghiệp Trung Quốc thu về 56,7 tỷ USD nhờ bán vũ khí. Nga chỉ có hai tập đoàn quốc phòng với tổng giá trị hợp đồng 13,9 tỷ USD.
Tăng trưởng doanh thu của các tập đoàn quốc phòng Trung Quốc đạt mốc 4,8%, thấp hơn trung bình toàn thế giới. Tuy nhiên, thống kê của SIPRI không bao gồm dữ liệu từ những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực đóng tàu và sản xuất tên lửa Trung Quốc, do họ không công khai số liệu.
Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC), tập đoàn quốc phòng dẫn đầu trong danh sách của Bắc Kinh, đạt mức tăng trưởng doanh thu 0,8% trong năm 2019. Tập đoàn Công nghiệp Phương Bắc (Norinco), hãng chế tạo xe tăng thiết giáp lớn nhất nước này, bị giảm 0,3% doanh thu.
"Điều này phù hợp với các ưu tiên quân sự của Trung Quốc. Họ đang tập trung vào những dự án hàng không vũ trụ và hàng hải, còn xe tăng và phương tiện cơ giới ít được chú trọng hơn", Lucie Béraud-Sudreau, tác giả báo cáo của SIPRI, cho hay.
Chính phủ Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất của ngành công nghiệp quốc phòng nước này, nhưng xuất khẩu vũ khí của Bắc Kinh cũng tăng tới 38% trong giai đoạn 2008-2017, chỉ xếp sau Israel, dù không đáp ứng được các tiêu chuẩn phức tạp và dịch vụ hậu mãi như nhiều tập đoàn quốc phòng phương Tây.
Vũ khí Trung Quốc cạnh tranh nhờ mức giá rẻ và không đòi hỏi nhiều điều kiện chính trị đi kèm. Bắc Kinh đã bán máy bay không người lái vũ trang (UCAV) cho nhiều nước bị phương Tây từ chối xuất khẩu khí tài.
Vasily Kashin, chuyên gia quân sự tại Trường Cao học Kinh tế ở Moskva, cho biết nghiên cứu của SIPRI không tính đến những tập đoàn quốc phòng chủ chốt của Nga như Rososmos, doanh nghiệp hàng không vũ trụ tham gia trong quá trình sản xuất tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, ông thừa nhận các số liệu đều "phản ánh xu hướng trong ngành công nghiệp Nga".
Tổng doanh thu của hai doanh nghiệp Nga trong danh sách gồm Almaz-Antey và Tập đoàn Đóng tàu Thống nhất (USC) đã giảm 634 triệu USD so với năm trước đó. Tập đoàn Máy bay Thống nhất (UAC) sụt giảm 1,3 tỷ USD doanh thu và bị loại khỏi danh sách 25 doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới.
EDGE Group, công ty được thành lập sau đợt sáp nhập hơn 25 doanh nghiệp quốc phòng của Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất, trở thành tập đoàn quân sự đầu tiên tại Trung Đông lọt vào danh sách và nằm ở vị trí thứ 22.
"Chúng ta đang dần tiến vào giai đoạn chạy đua vũ trang mới. Lĩnh vực này đang phát triển, ngân sách quốc phòng các nước cũng đang tăng lên. Chúng ta đang sống trong môi trường ngày càng quân sự hóa, đó là xu hướng rất dài hạn", Kashin nói thêm.
Vũ Anh (Theo WSJ)