Sau khi trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2006, Việt Nam đã ngày càng tham gia sâu hơn vào quá trình hội nhập, toàn cầu hóa. Nhiều Hiệp định thương mại tự do với yêu cầu cao, toàn diện hơn được Chính phủ ký kết, nổi bật là Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) kỳ vọng sẽ đàm phán xong trong năm nay. Trước cơ hội này, nhiều doanh nghiệp Việt cũng lên các kế hoạch đưa quân xuất ngoại, với mục tiêu biến thị trường của nước bạn thành của mình.
Là một trong những đơn vị tiên phong trong trào lưu "toàn cầu hóa", Tổng giám đốc Tập đoàn FPT - Bùi Quang Ngọc chia sẻ trong buổi nói chuyện đầu năm: “Tìm kiếm thị trường mới sẽ giúp FPT có sự tăng trưởng lâu dài, khi mà trong nước đã có những giới hạn nhất định cho nhiều ngành nghề của tập đoàn. Thêm vào đó, chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp cũng sẽ tăng lên”, vị lãnh đạo này nhận định.
Trên thực tế, sau lần xuất khẩu phần mềm đầu tiên vào năm 1999 và thành lập công ty con tại Nhật Bản 6 năm sau đó, 2014 được coi là năm bản lề để FPT khởi động cho quá trình toàn cầu hóa quy mô rộng hơn và dốc toàn lực so với các lần trước, được lãnh đạo FPT ví là “làn sóng toàn cầu hóa 3.0”.
Thay đổi này được vị thuyền trưởng của FPT kỳ vọng sẽ mang lại cho tập đoàn khoản doanh thu tương đương 34% từ thị trường ngoại, hướng tới cột mốc một tỷ USD. Coi trọng thị trường nước ngoài thể hiện rõ qua đầu tư về nhân lực, khi doanh nghiệp hiện có khoảng 5.000 người làm việc trong các lĩnh liên quan đến thị trường ngoại, so với con số vài chục cách đây hơn 10 năm.
Cũng đã vươn tới mốc doanh thu một tỷ đôla từ thị trường trong nước, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đang đầu tư mạnh cho việc mở rộng thị trường, hướng đến mục tiêu nâng doanh số lên 3 tỷ USD vào năm 2017. Sau khoản đầu tư 12,5 triệu USD vào Miraka tại New Zealand, năm qua, Vinamilk đổ tiếp gần 2 triệu USD vào dự án này nhằm tăng công suất cho dây chuyền sản xuất sữa tươi. Cùng năm, gần 20 triệu USD đã được Vinamilk chuẩn bị để tiến quân sang thị trường Mỹ và Campuchia, sau khi nhận được giấy chứng nhận đầu tư.
Ở lĩnh vực bất động sản, thị trường trong nước trầm lắng đang khiến Hoàng Anh Gia Lai phải dành nhiều tâm sức tái cấu trúc các lĩnh vực đầu tư. Trong khi đó, các dự án của doanh nghiệp này tại nước ngoài lại gần như không bị ảnh hưởng.
Tuyên bố giãn tiến độ các công trình bất động sản trong nước, còn tại khu phức hợp Myanmar Center, bầu Đức quyết định chi thêm 140 triệu USD để tăng vốn lên 440 triệu USD. Không chỉ vậy, báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2013 cho thấy Hoàng Anh Gia Lai có tới gần 15 công ty hoạt động ở nước ngoài, trọng tâm là thị trường Myanmar, Lào và Campuchia. Tính tại 30/9/2013, công ty đã đầu tư tới gần 6.000 tỷ đồng để trồng cây cao su và xây khu phức hợp tại nước bạn, chiếm tới gần hai phần ba tổng chi phí xây dựng cơ bản dở dang.
Bên cạnh nhiều ông lớn, các doanh nghiệp nhỏ cũng đang tìm cách liên kết để vươn ra thị trường mới. Ông Nguyễn Liên Phương - Giám đốc Học viện doanh nhân LP, đồng thời là chủ một doanh nghiệp xuất khẩu đồ nội thất cho biết, tháng 11 vừa qua đã cùng hơn chục chủ doanh nghiệp sang tìm hiểu thị trường Dubai. Đây không phải là thị trường hoàn toàn mới mẻ, song hàng hóa Việt Nam vẫn chưa có dấu ấn rõ rệt tại quốc gia này bởi doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu qua các trung gian. "Dubai đăng cai Triển lãm quốc tế EXPO 2020 và có kế hoạch rót 754 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng thương mại. Nơi đây sẽ không chỉ là cửa ngõ giao thương của Trung Đông, châu Phi và còn của toàn cầu. Mà chỗ nào là cửa ngõ thì chỗ đó là cơ hội", ông Phương đánh giá.
Chung quan điểm, ông Nguyễn Tiến Cường - Tổng giám đốc Công ty Cát Tường chuyên sản xuất vật liệu cách nhiệt thể hiện tham vọng đưa hàng hóa sang Dubai cạnh tranh trực tiếp với hàng Trung Quốc. "Điểm hấp dẫn của thị trường này là hàng rào kỹ thuật không quá khắt khe, mức thuế suất hấp dẫn và bất chấp khủng hoảng toàn cầu, Dubai vẫn bùng nổ về nhu cầu xây dựng, bất động sản", ông nhận định.
Tuy nhiên, đem chuông đi đánh xứ người đồng nghĩa doanh nghiệp Việt Nam phải hiểu luật hơn. "Nhiều doanh nghiệp hiện chưa nắm vững luật, các quy định về hàng hóa, dịch vụ sau bán hàng. Điều này sẽ gây cản trở cho quá trình hoạt động cũng như sự thành công của dự án tại nước ngoài", bà Phạm Chi Lan - nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết.
Do vậy, vị chuyên gia này khuyến nghị, mỗi đơn vị phải thẩm định kỹ lưỡng năng lực để quyết định chiến lược, dù tìm trường mới là đòi hỏi cấp thiết. Trước tiên, doanh nghiệp phải nắm vững thủ tục xin giấy phép đầu tư, các ưu đãi của Việt Nam về đầu tư ra nước ngoài, việc chuyển ngoại tệ cũng như chuyển vốn về nước. Ngoài ra, phải hiểu rõ luật pháp tại nước sở tại, các quy định về bảo hộ đầu tư, nhu cầu thị trường... "Doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải mất rất nhiều công sức và thời gian vì đây vốn dĩ là thị trường của người khác, bà bày tỏ.
Trở ngại này cũng được ông Nguyễn Liên Phương nhìn nhận, bởi vậy ông cho rằng doanh nghiệp trước khi thâm nhập thị trường phải tìm hiểu kỹ về đối thủ, như họ đang có những lợi thế và hạn chế nào để đưa ra những quyết sách phù hợp về hình ảnh , thương hiệu, bao bì và giá cả. Song, vị này khẳng định dù mạo hiểm nhưng doanh nghiệp phải dám chấp nhận nếu muốn "lớn hơn", nền kinh tế cũng chỉ có thể thay đổi, tái cấu trúc thành công khi doanh nghiệp Việt Nam tự xuất được hàng hóa.
Phương Linh