Cái chết hay sự đảo chiều của toàn cầu hóa. Người ta đang nghe được những câu chuyện ấy mỗi ngày, và điều đó không hẳn là vô lý. Có quá nhiều yếu tố đang cho thấy cỗ máy liên kết kinh tế giữa các quốc gia đang thiếu lửa. Kim ngạch thương mại, vốn từ lâu đã vượt xa tốc độ tăng GDP, đang chững lại trong những năm gần đây. Những nỗ lực để đạt được một thỏa thuận tự do thương mại mới, thông qua vòng đàm phán Doha và WTO rơi vào bế tắc. Việc áp dụng sâu rộng khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp đã rút ngắn chuỗi phân phối, khiến nhiều công ty Mỹ nhận ra rằng họ có thể sản xuất ngay tại quê nhà với chi phí không hề đắt đỏ.
Tuy nhiên, bỏ qua những chuyển động ngắn hạn đó, người ta vẫn phải khẳng định rằng: Toàn cầu hóa vẫn sống khỏe. Nhà Trắng là một ví dụ. Những người đứng đầu nước Mỹ đang dành mọi nỗ lực để đàm phán lại các thỏa thuận tự do thương mại với châu Âu, đồng thời đẩy mạnh quá trình xây dự Hiệp định tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với các quốc gia châu Á và Mỹ Latin. Quan trọng hơn nữa, quá trình ấy cho thấy toàn cầu hóa đang có những thay đổi quan trọng, chưa từng có trong lịch sử.
Trong quá khứ, toàn cầu hóa giống như con đường một chiều, từ các nước phát triển tới đang phát triển. Vốn và công nghệ chảy từ Mỹ, châu Âu tới Ấn Độ, Trung Quốc và các quốc gia đang có thu nhập thấp, đồng thời đưa những nền kinh tế ấy vào mạng lưới thương mại toàn cầu. Đồng hành với những chuyển dịch ấy là các hệ tư tưởng (dân chủ, tư bản hay Marxist) cũng như văn hóa (nhạc Pop, mạng xã hội, đồ ăn nhanh hay các bộ phim Holywoood…). Các nước đang phát triển không có nhiều cơ hội để kết nối lẫn nhau, qua đó cũng khó có khả năng gây ảnh hưởng tới chính trị và tài chính thế giới.
Mọi chuyện đã thay đổi cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Ấn Độ cũng như những nền kinh tế mới nổi khác. Toàn cầu hóa “kiểu cũ” đã được biến đổi thành một mô hình mới đa phương hơn, phản ánh chính xác cách mà kinh tế thế giới đang vận động.
Với dân số lớn bậc nhất thế giới, Trung Quốc, Ấn Độ hay Indonesia từng tham gia vào cỗ máy kinh tế thế giới với vai trò duy nhất là những công xưởng. Điều đó giờ đây không còn đúng. Khi mà hơn một nửa nhân loại đang sống tại Đông và Nam Á, người Trung Quốc hay Ấn Độ trở thành những khách hàng được săn đón nhất thế giới.
Thương mại toàn cầu cũng vì thế mà thay đổi: General Motors bán xe tại Trung Quốc còn chạy hơn cả Mỹ. Tương tự với câu chuyện của hãng gà rán KFC. Khách sạn từ Paris (Pháp) đến Bali (Indonesia) cũng đang cạnh tranh khốc liệt để giành giật du khách đến từ Trung Quốc hay Ấn Độ. Các thương hiệu thời trang lớn tại châu Âu cũng rầm rộ tiến quân vào thị trường châu Á, nơi dự kiến sẽ đóng góp hơn một nửa doanh số hàng xa xỉ trong vòng 10 năm tới.
Các công ty châu Á, cùng lúc cũng trở nên bình đẳng hơn với các doanh nghiệp toàn cầu. Đối thủ hàng đầu của Apple không đến từ châu Âu hay thậm chí là Nhật Bản. Họ là Samsung – một công ty đến từ Hàn Quốc. Đại diện Trung Quốc – Hua wei cũng trở thành một cái tên đáng gờm trên thị trường viễn thông.
Không chỉ cạnh tranh về sản phẩm, doanh nghiệp đến từ các thị trường mới nổi cũng trở thành những nhà đầu tư quan trọng trên thị trường tài chính cũng như các thương vụ M&A. Hãng sản xuất thịt Trung Quốc - Shuanghu gây sốc trên thị trường khi mua lại đối thủ Mỹ - Smithfield. Tương tự là câu chuyện Ford bán lại Volvo cho Geely của Trung Quốc hay Jaguar cho Tata của Ấn Đố. Những công ty như Lenovo và Wipro của 2 quốc gia này cũng đang trở thành chủ sử dụng lao động tại rất nhiều nơi trên thế giới.
Quan trong nhất, các thị trường mới nổi cũng đang kết nối với nhau một cách “chưa từng thấy”. Trong quá khứ, thương mại toàn cầu chủ yếu diễn ra giữa các nước giàu với các nền kinh tế kém phát triển. Điều này đã thay đổi hoàn toàn trong những năm qua.
Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), 56% hàng xuất khẩu của châu Á năm 2012 có điểm đến nằm ngay trong khu vực, cao hơn nhiều so với mức 41,6% của năm 1990. Năm 1995, kim ngạch song phương giữa Ấn Độ và Trung Quốc mới đạt 1,1 tỷ USD, đã tăng lên 69 tỷ USD trong năm 2012. Con số tương tự giữa Trung Quốc và Nga cũng bật mạnh từ 5,5 tỷ USD lên 88 tỷ trong cùng khoảng thời gian. Các hiệp định thương mại tự do song phương cũng được các nước, đặc biệt là các nước châu Á đẩy mạnh trong những năm gần đây.
Quyền chi phối đời sống chính trị, tài chính thế giới, cùng với những chuyển động nêu trên đã không còn nằm trong tay một vài “ông lớn”. G-20 thay thế G-8 trở thành diễn đàn quan trọng nhất toàn cầu, mang lại tiếng nói ngày một lớn hơn cho những quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi hay Brazil. Với sức mạnh tài chính của mình, một quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé như Qatar cũng trở thành thế lực khi xét tới địa chính trị khu vực Trung Đông. Theo một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thanh toán quốc tế, nhân dân tệ đã lần đầu tiên lọt vào danh sách các đồng tiền được giao dịch nhiều nhất thế giới…
Tất cả những xu hướng nêu trên đều chưa có dấu hiệu dừng lại. Một công ty chưa bao giờ nghe tên, ngay mai sẽ trở thành ông chủ của bạn. Hay một quyết định của Ngân hàng trung ương Ấn Độ có thể ảnh hưởng tới danh mục đầu tư của hàng loạt công ty tài chính trên toàn cầu. Toàn cầu hóa vẫn sống, thậm chí sâu sắc, toàn diện và công bằng hơn đối với các thực thể kinh tế. Cùng với mới những ý tưởng mới, sản phẩm mới, tập quán mới, quá trình ấy, có lẽ mới chỉ bắt đầu.
Nhật Minh (theo Time)