Tại buổi gặp gỡ 30 lãnh đạo doanh nghiệp trẻ sáng nay, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận định, nền kinh tế vẫn còn rất khó khăn, thể hiện qua việc trong khoảng 600.000 doanh nghiệp đã đăng ký thành lập, đến nay chỉ còn gần 380.000 đơn vị hoạt động, trong số này có tới 70% "bị thương", tức làm ăn không có lãi.
Chủ tịch nước nhấn mạnh hệ thống doanh nghiệp vẫn phải kiên trì, không thể thấy khó khăn là chùn bước. "Mục tiêu có một triệu doanh nghiệp vẫn phải theo đuổi, đâu phải sẽ khó khăn hoài đâu", ông nói. Bên cạnh đó, việc gia tăng số lượng doanh nghiệp cũng góp phần tăng quy mô của nền kinh tế.
"Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang khoảng 1.540 USD, tức gần 1.600 USD mỗi năm, nhưng không thể giữ ở mức này mãi mà mục tiêu phải tăng lên 16.000 USD. Muốn như vậy số doanh nghiệp phải tăng từ mấy trăm nghìn hiện nay lên mấy triệu, từ quy mô nhỏ tăng lên quy mô lớn", Chủ tịch Trương Tấn Sang phát biểu.
Cũng tại buổi họp, nhiều lãnh đạo nêu lên những tồn tại của nền kinh tế làm cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ cho biết, doanh nghiệp hiện rất đau đầu với hệ thống ngân hàng. "Lãi suất những năm rồi lên tới hơn 20% làm kiệt quệ doanh nghiệp, mà lớn nhất chính là niềm tin. Điều này cho thấy kỷ cương của hệ thống ngân hàng có vấn đề, nếu không có ý thức thì sẽ tái lập lại và ảnh hưởng lớn tới niềm tin của doanh nhân", ông bày tỏ.
Đồng quan điểm, ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thông tin, mối quan hệ giữa doanh nghiệp với ngân hàng và nợ xấu đang là vấn đề lớn cần xử lý. "Các ngân hàng lớn chưa hành xử công bằng với doanh nghiệp, vẫn còn tình trạng phân biệt giữa các thành phần trong nền kinh tế", vị này nêu lên.
Cải thiện trong cạnh tranh cũng được lãnh đạo Hội đề cập tới. Theo ông Mai Hữu Tín, doanh nghiệp Việt Nam bị thua thiệt ngay trên sân nhà khi tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nguyên nhân do xuất phát điểm thấp, chưa đủ mạnh để cạnh tranh sòng phẳng với đối thủ. Không chỉ vậy, những khó khăn nội tại của nền kinh tế càng khiến doanh nghiệp khó cạnh tranh hơn.
Do đó, vị này kiến nghị để toàn cầu hóa mang lại hiệu quả hơn, cần phải xây dựng những doanh nghiệp mạnh. Theo ông Nguyễn Thành Phương - Chủ tịch Tập đoàn Điện máy Việt Úc với thương hiệu Kangaroo, những doanh nghiệp này nên được xác định là tài sản và tài nguyên quốc gia để Nhà nước có những phương án cụ thể và dài hơi để bảo vệ, hỗ trợ phát triển.
Giám đốc Chiến lược Tập đoàn FPT Nguyễn Hữu Thái Hòa cũng đề xuất cần chú trọng tăng sức cạnh tranh cho nông nghiệp và công nghệ thông tin. "Một đất nước có 60 triệu dân đang sống ở nông thôn mà lại tụt hậu về nông nghiệp thì rất nguy hiểm. Đồng thời, ngành công nghệ thông tin đang đóng vai trò chuyển giao kiến thức toàn cầu nhanh nhất vào Việt Nam nhưng đầu tư cho lĩnh vực này còn nhiều bất cập", ông bày tỏ.
Ghi nhận những ý kiến của doanh nghiệp, Chủ tịch nước Trước Tấn Sang cho biết sẽ giải quyết sớm những vấn đề khiến doanh nghiệp "chết" thời gian qua. Trong đó tập trung giải quyết nợ xấu, xử lý mối quan hệ giữa ngân hàng với doanh nghiệp, lãi suất cũng cần điều chỉnh theo nguyên tắc lạm phát giảm thì phải giảm lãi suất.
Về vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh, Chủ tịch nước cũng khẳng định trọng tâm cần phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Hiện công nghiệp phụ trợ Việt Nam mới đáp ứng được 10% nhu cầu trong nước, thua xa các nước trong khu vực (40 - 60%), dẫn tới nhập siêu "ghê gớm", tác động tiêu cực lên tỷ giá.
Điều doanh nhân Việt Nam đang cần hiện nay chính là các chính sách phải luôn tạo niềm tin, giúp doanh nghiệp phát triển, từ đó có thể thúc đẩy nền kinh tế đi lên, ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ khóa III phát biểu.
Lễ trao giải thưởng Sao vàng Đất Việt sẽ diễn ra vào ngày 2/9/2013. Năm nay một số các thương hiệu đã được bình chọn gồm FPT, Thaco, VietinBank, Kangaroo, Đạm Phú Mỹ, Traphaco, Thiên Long, Hoa Sen... Ông Mai Hữu Tín cũng cho biết, 200 thương hiệu Sao Vàng Đất Việt năm nay đã tạo ra hơn 734.000 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận đạt trên 71.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 56.000 tỷ đồng và tạo việc làm cho trên 466.000 lao động. |
Huyền Thư