Tuần qua, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ 2 phương án hỗ trợ doanh nghiệp BOT đang bị sụt giảm doanh thu, gồm tăng phí theo lộ trình hoặc bù lỗ từ ngân sách nhà nước.
Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc nhà xe Sao Việt, cho biết thời gian qua do dịch Covid 19, lượng khách sụt giảm 50-70%. Trung bình mỗi xe khách xuất bến có chi phí xăng dầu, bến bãi, phí đường bộ... khoảng 7 triệu đồng, trong khi nhà xe chỉ thu được 2-3 triệu đồng tiền vé. Các doanh nghiệp vận tải đã kiến nghị giảm nhiều loại thuế phí, việc này chưa được giải quyết thì Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tăng phí BOT đường bộ khiến họ thêm lo lắng.
"Tăng phí BOT vào lúc này là không hợp lý", ông Bằng nói.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, phí cầu đường chiếm 10-12% chi phí vận tải, chỉ đứng sau chi phí xăng dầu. Do vậy, nếu Chính phủ cho phép tăng phí BOT sẽ khiến chi phí vận tải tăng cao, đẩy khó khăn cho doanh nghiệp.
"Vừa qua Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam ghi nhận nhiều doanh nghiệp đề nghị giảm phí BOT, song bối cảnh nhà đầu tư BOT cũng khó khăn nên Hiệp hội mới chỉ kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải miễn, giảm phí bảo trì đường bộ", ông Quyền cho hay.
Ông Quyền phân tích, Bộ Giao thông Vận tải nên tính toán cụ thể với từng dự án BOT, dự án nào thời gian thu phí ngắn có thể kéo dài hơn và giữ nguyên mức phí. Ngoài ra, Chính phủ có thể hỗ trợ lãi vay, giãn thời gian trả nợ cho doanh nghiệp BOT theo chính sách chung. "Việc tăng phí nên áp dụng vào lúc nền kinh tế trở lại bình thường, hoạt động vận tải ổn định", ông Quyền nói.
Ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ không đồng tình với kiến nghị tăng phí BOT; ngoài ra, ông cho rằng không thể dùng hơn 5.000 tỷ đồng vốn ngân sách bù lỗ cho các dự án BOT vì ngân sách Nhà nước có hạn.
"Nhà đầu tư BOT cần chia sẻ với doanh nghiệp vận tải, nếu tăng phí lúc này nhiều doanh nghiệp vận tải sẽ lâm vào cảnh phá sản", ông Long nói và đề nghị ngành ngân hàng hỗ trợ nhà đầu tư BOT bằng các chính sách hỗ trợ như khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi vay...
Theo Bộ Giao thông Vận tải, đến 22/4, có 58 trong số 60 dự án BOT doanh thu thấp hơn dự báo trong phương án tài chính, trong đó 17 dự án chưa đạt 50% doanh thu dự báo.
Lãnh đạo Vụ Đối tác công tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay, theo lộ trình tăng phí mà Bộ ký kết với nhà đầu tư, 3 năm sẽ tăng phí một lần từ 3-6%, nghĩa là tăng thêm khoảng 2.000 đồng/lượt xe tiêu chuẩn. Với mức tăng này, các doanh nghiệp với hàng trăm đầu xe sẽ bị ảnh hưởng, còn các xe cá nhân thì mức độ ảnh hưởng không lớn.
"Các dự án BOT mấy năm qua không được tăng phí, nếu tiếp tục không được tăng thì dự án sẽ chuyển thành nợ xấu", lãnh đạo Vụ Đối tác công tư nói.
Ông cũng cho rằng, phần lớn các dự án BOT đã có thời gian thu phí từ 15 đến 20 năm, nên ngân hàng không chấp nhận cho kéo dài thêm thời gian thu phí.
Trước đó ngày 12/5, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết cơ quan này đã kiến nghị Chính phủ hai phương án gỡ khó khăn cho doanh nghiệp BOT do các dự án bị giảm thu từ năm 2019 và trong Covid-19.
Phương án một là cho phép doanh nghiệp được tăng phí theo hợp đồng dự án đã ký kết. Thời điểm tăng sẽ được Bộ lựa chọn phù hợp để hạn chế ảnh hưởng chi phí vận tải.
Phương án hai giữ nguyên mức phí như hiện nay và chỉ tăng theo lộ trình trong hợp đồng từ 2022. Tuy nhiên, Nhà nước cần bố trí khoảng 5.080 tỷ đồng để hỗ trợ các dự án khi chưa được tăng phí.