Larkin là chủ một câu lạc bộ karaoke ở Wichita Falls, Texas, Mỹ. Hôm 26/6, anh và các cộng sự chi 1.000 USD mua nguyên vật liệu và đồ bảo hộ chuẩn bị cho một cuối tuần bận rộn. Máy trữ bơ thực vật và máy ủ lạnh bia đã được đổ đầy. Anh cũng chuẩn bị khẩu trang cho nhân viên và nước rửa tay cho khách hàng.
Nhưng đúng lúc đó, Thống đốc Texas Greg Abbott thông báo tất cả quán bar trên toàn bang phải đóng cửa lần thứ hai vì số ca nhiễm nCoV đang tăng mạnh trở lại. Larkin quyết định đổ tất cả những gì vừa mua vào thùng rác và đóng cửa quán mãi mãi.
"Chúng tôi đã làm mọi thứ cần làm", Larkin nói. "Khi ông ấy bắt chúng tôi đóng cửa một lần nữa và sau khi chúng tôi dành hết tiền sắm sửa đồ đạc đáp ứng các quy định mà chính quyền đưa ra, tôi chỉ có thể nói 'Tôi không làm nổi nữa'".
Hồi tháng ba, khi các cơ sở kinh doanh nhỏ tại Mỹ như quán bar, phòng nha, công ty luật nhỏ, nhà trẻ cùng các cửa hàng buôn bán khác phải đóng cửa vì dịch bệnh, họ đã rất mệt mỏi.
Nhưng nay, với đợt bùng dịch mới, đặc biệt tại các bang như Texas, Florida và California, nơi vừa bắt đầu mở cửa trở lại, lệnh phong tỏa thứ hai như đòn kết liễu đối với các doanh nghiệp nhỏ. Họ có lẽ phải chuyển từ đóng cửa tạm thời sang ngừng hoạt động vĩnh viễn.
Gần 66.000 doanh nghiệp đã công bố phá sản từ tháng ba, theo dữ liệu của Yelp, công ty chuyên cung cấp nền tảng các doanh nghiệp địa phương quảng cáo dịch vụ của mình và theo dõi thông báo đóng cửa từ doanh nghiệp.
Từ 15 đến 29/6, tỷ lệ doanh nghiệp đóng cửa hoàn toàn cao hơn so với ba tháng trước đó. Trong cùng khoảng thời gian này, tỷ lệ đóng cửa hoàn toàn tăng 3%, chiếm khoảng 14% tổng số doanh nghiệp đóng cửa từ tháng ba đến nay.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard tin rằng tỷ lệ doanh nghiệp Mỹ phải đóng cửa nhiều khả năng còn tiếp tục tăng. Họ ước tính gần 110.000 doanh nghiệp nhỏ trên khắp nước Mỹ đã phải quyết định ngừng hoạt động vĩnh viễn từ đầu tháng ba đến đầu tháng 5, theo dữ liệu từ nghiên cứu hàng tuần của Alignable, mạng xã hội cho chủ doanh nghiệp nhỏ.
Christopher Stanton, phó giáo sư Trường Kinh doanh Harvard, cho hay việc xác định chính xác số lượng doanh nghiệp đóng cửa không dễ dàng bởi khi họ đã ngừng hoạt động mãi mãi, việc liên lạc là rất khó khăn.
Theo ông, phải mất ít nhất một năm chính quyền mới có thể biết thiệt hại thực sự mà dịch bệnh gây ra cho các doanh nghiệp nhỏ. Hiện tại, 39 bang của Mỹ vẫn tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh mỗi ngày.
The Yelp, trong số các doanh nghiệp mà họ theo dõi, ngành bán lẻ, dẫn đầu là các cửa hàng cung cấp dịch vụ, sản phẩm làm đẹp, đang đóng cửa với tỷ lệ cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Nhà hàng là nhóm doanh nghiệp đứng thứ hai.
Doanh nghiệp nhỏ chiếm khoảng 44% hoạt động kinh tế Mỹ và việc chúng phải đóng cửa với quy mô lớn như hiện nay có thể tàn phá khả năng tăng trưởng của quốc gia.
Nếu được nhóm lại với nhau, các doanh nghiệp nhỏ sẽ đứng vào hàng những công ty lớn nhất nước, theo Satyam Khanna, chuyên gia tại Viện Quản trị và Tài chính Doanh nghiệp thuộc Trường Luật Đại học New York. Vì thế, khi doanh nghiệp nhỏ đóng cửa với quy mô lớn, toàn bộ nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng do dòng tiền ít đi, nợ nhiều hơn và thất nghiệp nhiều hơn.
"Nó sẽ là trở ngại lớn đối với khả năng phục hồi", ông đánh giá.
Trong gần hai thập kỷ, Rich Tokheim và vợ bán các vật phẩm lưu niệm thể thao cho người hâm mộ ở thành phố Omaha, bang Nebraska. Từ năm 2011, họ đã thuê cửa hàng ở một vị trí đắc địa, ngay đối diện sân vận động bóng chày của thành phố, nơi thường tổ chức các giải đấu trường đại học thế giới vào mùa xuân.
Giải đấu năm 2020 đã bị hủy hồi tháng ba. Những tuần sau đó, hàng loạt sự kiện thể thao khác cũng bị ủy. Cửa hàng của Tokheim, 58 tuổi, vì thế cũng ế khách. Họ quyết định đóng cửa hoàn toàn vào ngày 30/6.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, chính phủ hồi tháng 4 tung ra gói cứu trợ trị giá 660 tỷ USD. Nhưng dù được nhận khoản vay từ chính phủ, các chủ doanh nghiệp vẫn không thể đảm bảo cơ hội sống sót.
Nick Muscari, 38 tuổi, chủ sở hữu một nhà hàng ở Lubbock, Texas, cũng nhận được khoản vay hỗ trợ. Nhà hàng sườn nướng của anh là kết quả từ nhiều năm Muscari tích cóp bằng công việc bồi bàn, thợ làm bánh pizza và quản lý. Ba năm trước, Muscari mua lại cổ phần từ hai đối tác cùng anh mở nhà hàng hồi năm 2010. Anh tin rằng đây là một bước tiến lớn, nhưng để làm được điều này, Muscari phải đi vay. Anh hiện vẫn nợ ngân hàng 80.000 USD.
Muscari tạm đóng cửa nhà hàng trong đợt phong tỏa đầu tiên và cầm cự nhờ khoản vay hỗ trợ từ chính phủ. Nhưng khi lệnh phong tỏa thứ hai được ban bố, anh quyết định ngừng hoạt động mãi mãi.
Nhà hàng đóng cửa đồng nghĩa 30 nhân viên của Muscari cũng rơi vào cảnh thất nghiệp. Anh không còn gì trong tay ngoài ngôi nhà và chiếc xe.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng không khỏi cảm thấy mệt mỏi khi phải tuân thủ những hướng dẫn an toàn liên tục thay đổi. Gabriel Gordon, chủ một nhà hàng đồ nướng nhỏ nổi tiếng ở Seal Beach, California, quyết định đóng cửa mãi mãi khi biết rằng nhà bếp của ông không thể đáp ứng các yêu cầu giãn cách để các nhân viên có thể cùng làm việc.
"Về cơ bản, họ cần hai hành lang rộng 3,5 mét", Gordon nói. "Trong khi căn bếp trong nhà hàng của tôi còn không rộng bằng một chiếc xe tải thực phẩm".
Vũ Hoàng (Theo New York Times)