Toàn cầu hóa là chủ đề trọng tâm của APEC năm nay, đặc biệt trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy nổi lên, với việc người Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu, Catalonia muốn tách khỏi Tây Ban Nha, còn Tổng thống Donald Trump đề ra nguyên tắc “nước Mỹ trên hết”. Trong phiên thảo luận chiều 8/11 tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (CEO Summit), các diễn giả đều có chung quan điểm toàn cầu hóa vẫn đang là xu thế.
“Toàn cầu hóa là cách duy nhất giúp các nước tạo được hàng triệu việc làm cho người dân và giúp nền kinh tế tiếp tục phát triển năng động”, bà Victoria Kwakwa - Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương cho biết.
Trong phiên thảo luận, ông Philipp Rösler - thành viên ban điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho rằng toàn cầu đang thay đổi vì chủ nghĩa dân túy. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội cho các cơ chế đa phương, như ASEAN. Vì thế, các nước châu Á – Thái Bình Dương nên tìm lựa chọn thay thế Mỹ.
“Nếu có Mỹ, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Vấn đề là Mỹ không còn ở đây nữa rồi. Nhưng vẫn còn những nền kinh tế khác. Phần lợi lớn nhất không còn, nhưng họ vẫn quyết theo TPP”, bà Kwakwa cho biết.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia rất tích cực trong việc toàn cầu hóa, với việc ký kết và đàm phán hàng loạt hiệp định thương mại. Trao đổi với VnExpress, ông Michael Sailer – Tổng giám đốc Thyssenkrupp Industrial Solutions Việt Nam cho rằng Việt Nam đã có nước đi thông minh khi đàm phán nhiều FTA.
“Việc này sẽ giúp các bạn có thêm sức mạnh. Thay vì chỉ dựa vào một hiệp định, các bạn có nhiều thỏa thuận, nhiều đối tác thương mại, nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Tôi cho rằng châu Âu nói chung và Đức nói riêng cũng rất quan tâm đến việc này và muốn giúp Việt Nam phát triển”, ông cho biết.
Ông khẳng định toàn cầu hóa không chỉ là một xu hướng, mà còn là điều cần thiết hiện nay: “Tôi đồng tình với quan điểm của ông Rosler là chúng ta cần có nhiều hiệp định thương mại hơn, không phải song phương, mà là giữa nhiều quốc gia. Ví dụ ở châu Á – Thái Bình Dương hay châu Âu”.
CEO Gasco - Nicholas Grzegorczyn cũng cho rằng toàn cầu hóa là việc tất yếu và khó có thể đảo ngược. Còn Eric L.Schmidt – CEO EventBank (Mỹ) tỏ ra hối tiếc khi Mỹ rút khỏi TPP.
“Tôi thấy đây là sai lầm lớn của Chính phủ. Tôi hy vọng lúc nào đó, họ sẽ cân nhắc lại. Mỹ đang sẵn có lợi thế trong khu vực, nhưng việc rút ra là một sai lầm lớn, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang mở rộng thị trường”, ông nhận xét.
Ông cũng cho rằng Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc hội nhập. “Các nước đang phát triển cần có thêm thị trường mới cho sản phẩm, dịch vụ của mình. Nếu đóng cửa, tất cả các công ty đều không được hưởng lợi”.
Hà Thu