Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng sáng 17/3 vừa công bố chi phí làm thủ tục hành chính (APCI) 2020 trên cơ sở phân tích và khảo sát doanh nghiệp ở 63 tỉnh, thành. Đây là chi phí cả chính thức và không chính thức.
Theo APCI 2020, môi trường là lĩnh vực doanh nghiệp mất nhiều chi phí làm thủ tục hành chính nhất khi trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra 61,5 giờ và 3,1 triệu đồng. Cứ 100 doanh nghiệp thì có 52 doanh nghiệp thuê dịch vụ trọn gói các thủ tục liên quan đến môi trường, đặc biệt là thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Báo cáo cho rằng nhóm thủ tục hành chính môi trường đã được cải thiện so với năm 2019, nhưng các chi phí thành phần cho thấy sự cải thiện của nhóm này chưa phải thực chất. Năm 2019, môi trường cũng có chi phí làm thủ tục hành chính cao nhất với 45,4 triệu đồng (bao gồm 20,4 giờ và 4,3 triệu đồng).
Hai năm gần đây, lĩnh vực môi trường đã chuyển từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", khiến doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn để đảm bảo chất lượng của đánh giá tác động môi trường.
Nhóm có chi phí làm thủ tục hành chính cao tiếp theo là xây dựng, doanh nghiệp phải bỏ ra 21,2 giờ và 4,7 triệu đồng cho chi phí sao chụp, chứng thực hồ sơ, thẩm định, lệ phí cấp phép xây dựng, một phần chi phí không chính thức.
Với thuế, ngành này có chi phí thấp nhất khi đã áp dụng xử lý thủ tục hành chính trên môi trường điện tử giữa cơ quan hành chính nhà nước với nhau và trong giao dịch với tổ chức cá nhân; thay đổi phương thức quản lý "tiền kiểm" sang "hậu kiểm".
Đến cuối năm 2019, theo Tổng cục Thuế, gần 100% doanh nghiệp kê khai thuế điện tử; 99,6% nộp thuế điện tử; 93,6% hoàn thuế điện tử. Trung bình, mỗi doanh nghiệp chỉ phải bỏ ra 3,8 giờ và 11.600 đồng cho mỗi lần làm thủ tục thuế. Trong khi đó, năm ngoái chi phí tương ứng là 4,7 giờ và 100.000 đồng.
Phát biểu tại buổi công bố APCI 2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá, các bộ, ngành đã cải cách rất nhiều nhưng dư địa để giảm thủ tục hành chính, chi phí còn rất lớn khi "ở chỗ này chỗ khác vẫn còn sự kêu ca".
Ông đề nghị tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính chính thức và không chính thức, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. "Chi phí không chính thức gây môi trường không lành mạnh, nhất là gây lo ngại cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, làm ăn tại Việt Nam. Nếu để nó tồn tại trên diện rộng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp", ông Dũng nói.
Ông Trương Gia Bình, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, cũng cho rằng, APCI 2020 "là cơ sở để các bộ, ban, ngành, địa phương thấy được cơ hội tiếp tục cải cách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục phát triển".