Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ vừa công bố báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2018 (chỉ số APCI).
Theo đó, trong số 8 nhóm thủ tục hành chính được xếp hạng, quán quân là nhóm TTHC thuế với chi phí tuân thủ hơn 73.000 đồng; thời gian thực hiện trung bình của doanh nghiệp cho một thủ tục trong nhóm này chỉ là 2,9 giờ làm việc.
Đứng sau cùng trong bảng xếp hạng là nhóm thủ tục xây dựng với chi phí tuân thủ hơn 64 triệu đồng (gấp 869 lần ngành thuế, hơn 5 lần trung bình các nhóm khác); thời gian thực hiện trên 108 giờ .
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho hay, APCI 2018 gồm hai chỉ số thành phần, phản ánh hai loại chi phí chủ yếu mà doanh nghiệp phải chi trả khi thực hiện TTHC là chi phí thời gian và chi phí trực tiếp (tiền).
"Nhóm thủ tục xây dựng đứng sau cùng bảng xếp hạng, chủ yếu là chi phí trực tiếp cao vượt trội, chiếm 93% và trở thành yếu tố quyết định tới mức thủ tục nhóm này trở nên đắt đỏ bậc nhất”, ông Phan nói.
Báo cáo APCI 2018 chỉ ra, dù Chính phủ có nhiều văn bản chỉ đạo đơn giản hoá thủ tục hành chính, nhưng những cải cách mới chỉ dừng lại ở từng ngành thay vì nhìn nhận cả chuỗi quy trình trọn vẹn để thực hiện một dự án đầu tư có sử dụng đất và có xây dựng. Những bất cập khi doanh nghiệp thực hiện cả chuỗi thủ tục vẫn tiếp tục tồn tại.
Từ kết quả khảo sát 309 doanh nghiệp, báo cáo nêu chi phí trực tiếp nhóm thủ tục xây dựng cao vì phải thuê đơn vị tư vấn trong công tác chuẩn bị, chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ. Cụ thể như thuê thiết kế, tư vấn thủ tục xin ý kiến cơ quan phòng cháy chữa cháy, báo cáo đánh giá tác động môi trường, lệ phí thẩm định hồ sơ... Những chi phí này tỉ lệ thuận với độ khó, quy mô, tổng mức đầu tư của dự án xây dựng. Nhiều trường hợp chi phí trực tiếp lên đến hàng tỷ đồng; có địa phương chỉ mất 440.000 đồng nhưng một số nơi là 255 triệu đồng.
Một số doanh nghiệp phản ánh, chi phí cao do yêu cầu pháp luật về quy hoạch tại các địa phương, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng không rõ ràng, thống nhất và phụ thuộc nhiều vào công tác thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước. Dẫn đến doanh nghiệp tốn nhiều tiền cho việc chuẩn bị, chỉnh sửa hồ sơ.
Các doanh nghiệp xây dựng còn tốn nhiều thời gian hơn các ngành khác 37 lần để làm thủ tục, bởi phải làm việc với đơn vị tư vấn, chuẩn bị bản vẽ, thiết kế, khảo sát thực địa. Thậm chí, có doanh nghiệp mất đến 200 giờ chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.
“Doanh nghiệp rất vất vả chuẩn bị hồ sơ và hồ sơ phức tạp quá. Đây là dư địa quan trọng để đơn giản hoá, bỏ bớt giấy tờ không cần thiết”, ông Phan kết lại vấn đề.
"Sẽ cắt giảm cả chi phí ngoài luồng"
Đứng thứ hai sau quán quân thủ tục hành chính nhóm thuế là chi phí khởi sự doanh nghiệp với 700.000 đồng và 10 giờ làm việc. Báo cáo APCI 2018 nêu nguyên nhân quan trọng của việc này là Chính phủ chỉ đạo tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp gia nhập thị trường; thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp đều có thể thực hiện trực tuyến.
Chi phí thủ tục nhóm hải quan xếp thứ ba với 3,5 triệu đồng và 12 giờ làm việc. Kết quả này nhờ ngành hải quan triển khai cơ chế một cửa quốc gia tại cảng hàng không quốc tế, cảng biển trên phạm vi cả nước; xây dựng hệ thống dịch vụ công trực tuyến; ứng dụng công nghệ thông tin...
Trong nhóm cuối bảng, chi phí thủ tục môi trường chỉ thấp hơn xây dựng một bậc với hơn 46 triệu đồng và 218 giờ làm việc; địa phương có chi phí trực tiếp cao nhất đến trên 112 triệu đồng.
Chi phí nhóm đầu tư ở vị trí trung bình với 8 triệu đồng và 125 giờ thực hiện. Chi phí nhóm này được dự báo sẽ tiếp tục giảm, bởi Chính phủ đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giải quyết các bất cập về thủ tục.
Theo ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ba nhóm thủ tục có mức chi phí tuân thủ thấp nhất theo kết quả Chỉ số APCI 2018 (thuế, khởi sự kinh doanh và hải quan) cũng chính là những lĩnh vực đang được ứng dụng dịch vụ công trực tuyến ở mức cao hơn so với các thủ tục hành chính của các nhóm còn lại.
Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ kỳ vọng, thời gian tới sẽ đánh giá được các chi phí “ngoài luồng” mà doanh nghiệp phải bỏ ra khi tiếp cận cơ quan nhà nước. “Nếu cắt giảm được những chi phí đó nữa thì doanh nghiệp sẽ hài lòng hơn”, ông Dũng phát biểu.