Báo cáo thị trường tuyển dụng trung và cao cấp của Navigos vừa cho biết, trong quý II, do vẫn chịu ảnh hưởng của Covid nên doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực đang tạm hoãn việc tuyển dụng hoặc tuyển rất ít. Dự báo, tình hình này sẽ duy trì trong thời gian còn lại của năm.
Cụ thể, ngành điện tử, cơ khí và đồ gỗ khu vực phía Nam sẽ hạn chế tuyển dụng ít nhất trong 3 đến 6 tháng tới. Nguyên nhân là tình hình dịch bệnh tại các nước châu Âu và Mỹ thời gian qua khiến nhu cầu hàng hóa tại các thị trường này giảm, dẫn đến việc xuất khẩu đồ gỗ từ Việt Nam sang gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, tình hình Covid-19 trong nước cũng khiến thị trường nội địa bị ảnh hưởng.
Ngành dược và thiết bị y tế dự báo cũng giảm tuyển dụng. "Các khách hàng trong mảng thiết bị y tế đang cho thấy họ chỉ duy trì quy mô nhân sự như hiện tại. Các công ty đa quốc gia có dấu hiệu dừng mở rộng hoạt động kinh doanh do Covid-19. Một số công ty đang thu hẹp hoạt động và tái cấu trúc lại mô hình kinh doanh, đồng thời không tuyển nhân sự mới", báo cáo cho biết.
Tại các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, dù các vị trí khối thương mại như bán hàng, tiếp thị, tài chính - kế toán... vẫn đang có nhu cầu tuyển người nhưng các kế hoạch mở rộng nhân sự cho khối sản xuất đã bị hoãn hoặc hủy.
Navigos cho biết, nhiều ứng viên đang trong vòng phỏng vấn với khách hàng đã bị hoãn phỏng vấn cho các vòng tiếp theo hoặc thậm chí bị hủy. "Dự kiến mảng thương mại vẫn tiếp tục tuyển dụng nhưng mảng sản xuất sẽ đóng băng hoặc tuyển rất ít trong 6 tháng tới", đơn vị này nhận định.
TP HCM, tâm dịch của làn sóng bùng phát thứ tư, đang và sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều khó khăn trên thị trường lao động. Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM (Falmi) đánh giá, đại dịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến lao động – việc làm, tỷ lệ lao động ngừng việc, mất việc có xu hướng tăng.
Theo khảo sát mới công bố của Falmi với 4.140 doanh nghiệp trên địa bàn, có gần 83% do biết bị tác động tiêu cực vì dịch. Cụ thể, hơn 60% trong nhóm này gặp khó khăn trong tìm kiếm khách hàng, tiêu thụ sản phẩm, gần 22% khó khăn về vốn và gần 9,5% thiếu vật tư, nguyên liệu sản xuất.
Tình hình này khiến gần 38% lao động của các doanh nghiệp khảo sát bị ảnh hưởng. Trong nhóm này, gần 92% bị giãn việc/nghỉ luân phiên. Số còn lại bị tạm nghỉ việc có hưởng một phần lương (2,35%), tạm nghỉ việc không hưởng lương (2,18%) và bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc cho thôi việc (1,20%).
Kết quả khảo sát cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến cắt giảm lao động trong 6 tháng cuối năm 2021 chiếm 46,47%. Top 3 ngành có lượng doanh nghiệp dự kiến giảm người nhiều nhất gồm: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy; công nghiệp chế biến chế tạo; và dịch vụ lưu trú, ăn uống.
Trong đó, doanh nghiệp chủ yếu cắt giảm lao động trong quý III. Dự kiến vào quý IV, thị trường sẽ khởi sắc hơn vì các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh phục vụ nhu cầu dịp lễ, Tết.
Dựa trên dữ liệu khảo sát này và áp dụng thêm các phương pháp nghiệp vụ, Falmi dự báo nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm 2021 của TP HCM sẽ có 2 kịch bản.
Kịch bản thứ nhất, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, các khu vực kinh tế chịu tác động lớn là dịch vụ (ngành lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải...); công nghiệp - xây dựng (ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, chế biến thực phẩm, xây dựng...). Dự kiến nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm 2021 của thành phố chỉ cần thêm khoảng 127.000 chỗ làm.
Kịch bản thứ hai, tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tích cực, với việc triển khai tiêm chủng vaccine và kiểm soát tốt dịch tễ, tình hình doanh nghiệp khởi sắc trong những tháng cuối năm 2021, đặc biệt là thời điểm gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ nhu cầu dịp lễ Tết, sẽ giúp hạn chế tình trạng lao động ngừng việc, mất việc.
Tuy nhiên khu vực dịch vụ (ngành lưu trú, ăn uống, du lịch), khu vực công nghiệp (ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ) vẫn sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các hoạt động giao thương (xuất - nhập) bị gián đoạn. Nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm 2021 sẽ cần thêm khoảng 147.000 chỗ làm.
Dù khả năng tìm việc của người lao động nửa cuối năm nhìn chung nhiều khả năng không dễ dàng, theo Navigos, nếu ứng viên đang có chuyên môn về ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, công nghệ thông tin và công nghệ bán dẫn thì cơ hội vẫn rất sáng sủa.
Theo đó, lĩnh vực ngân hàng – chứng khoán - bảo hiểm dự báo bước vào cao điểm tuyển dụng trong quý II, tập trung vào vị trí bán hàng, nhân sự công nghệ thông tin để phát triển hệ thống và chuyển đổi số. Cùng với đó, nhu cầu nhân sự ngành bán dẫn cũng được dự báo là ở mức cao trong ít nhất 5 năm tới, do nhận được nhiều sự quan tâm và đầu tư từ các tập đoàn lớn nước ngoài.
Viễn Thông