Chị Vân, sinh năm 1986, làm công nhân cho một công ty mỹ phẩm tại Bình Tân (TP HCM). Với mức lương hỗ trợ 3,5 triệu đồng này (khoảng 75% lương), chị cho biết vợ chồng còn phải trả tiền thuê trọ nên không đủ sống. "Giờ hai vợ chồng toàn ở nhà, ăn đơn giản cho qua ngày", chị Vân nói.
Con của chị đã được gửi về ngoại nghỉ hè nên đỡ khoản ăn học và các chi phí liên quan. Nhưng ba chị Vân vừa bị tai biến, số tiền gia đình dành dụm đã đổ hết vào bệnh viện. Chị nói nếu còn được đi làm thì có cơ hội kiếm thêm ít tiền phụ thuốc men, nhưng giờ bế tắc. "Bà con dòng họ, ai cũng bị ngưng việc nên cũng không dám vay mượn ai", chị nói.
Những trường hợp như chị Vân không hiếm ở TP HCM. Chị Thủy, công nhân tại chuyền may của Công ty Pouyeun, quận Tân Bình, cho biết lương liên tục giảm vì số ngày đi làm thấp. Bình thường mỗi tháng, chị có thu nhập 10 triệu đồng, nhưng 2 tháng nay chỉ khoảng 8 triệu đồng do đơn hàng ít, không có tăng ca.
Hiện tại còn thê thảm hơn khi chị vừa đi làm được 3 ngày đầu tháng, công ty có người nhiễm Covid-19 phải nghỉ để xét nghiệm liên tục. Chưa kịp hoàn hồn thì lại phập phồng vì ca nhiễm tại công ty tăng cao. "Nhà tôi còn có con nhỏ không ai trông. Sợ bé bị lây nhiễm nên tôi tiếp tục xin nghỉ 14 ngày không lương", chị Thủy nói và ước tính thu nhập tháng 7 sẽ giảm hơn một nửa hoặc mất trắng, chưa biết thời gian tới sẽ sống sao.
Cũng bị giảm lương trầm trọng, chị Loan làm việc cho một công ty may tại Khu chế xuất Tân Thuận cho biết, tháng trước, chị đã bị giảm hơn nửa tháng lương do khu phòng trọ chị ở quận Gò Vấp bị phong tỏa 14 ngày không đi làm được.
"Vừa nghỉ xong 14 ngày, mới đây tôi lại tiếp tục nghỉ thêm 14 ngày do công ty bị phong tỏa", chị Loan nói và cho biết, sau giãn cách sẽ về quê sinh sống để tránh Covid-19 và giảm gánh nặng tài chính.
Nhưng người lao động ở TP HCM và cả những nơi lân cận giờ không chỉ bất an vì tiền mà còn lo lắng cả về tinh thần.
Chủ tịch một công ty may mặc ở quận 12 nói rằng, công ty ông phải tìm cách trấn an tinh thần vì một số lao động trong xưởng lo lắng, thậm chí tỏ ra rất sợ hãi.
Theo ghi nhận của VnExpress, nhiều công nhân hiện nay cũng cho biết gặp áp lực lớn về tâm lý, không thiết tha đi làm. Chị Thảo, sinh năm 1988, làm công nhân tại một công ty may rèm cửa ở Bình Dương đã 5 năm. Mỗi tháng, chị nhận lương khoảng 7 triệu đồng. Hằng ngày, chi phí sinh hoạt khoảng hơn 100.000 đồng. Chị là lao động chính, nuôi một con và một cụ già.
"Đến nay, tôi vẫn làm bình thường, không bị giảm lương. Tuy nhiên, tôi và các chị chung xưởng đi làm mỗi ngày với tâm lý bất an nên hiện chỉ muốn được công ty cho nghỉ để phòng dịch", chị Thảo nói. Theo chị, những công nhân bị cách ly hay nằm trong vùng phong toả đều được công ty trợ cấp hơn 100.000 đồng mỗi ngày. Nếu chị cũng được nghỉ làm hưởng trợ cấp, việc cầm cự cho gia đình nhỏ qua mùa dịch vẫn suôn sẻ, lại bớt được nỗi lo nhiễm bệnh.
Nằm trong 56.000 công nhân tạm nghỉ việc để phòng dịch của Pouyeun, chị Ngọc nhận lương khoảng 5,8 triệu đồng mỗi tháng với thâm niên 2 năm. Mỗi tháng, chị chi cho việc ăn uống khoảng 3 triệu đồng, việc học của con 1,8 triệu đồng, sữa tả vào khoảng 1,5 triệu đồng.
Ở cùng mẹ và em trai cũng làm việc tại Pouyeun, kinh tế cả gia đình hợp lại vẫn ổn trong mùa dịch. Theo thông báo chị nhận được, mỗi công nhân sẽ nhận trợ cấp từ công ty trong thời gian tới, dự kiến vào khoảng 170.000 đồng một ngày. Và chị cho biết cảm thấy được trấn an khi nhận thông báo tạm nghỉ việc để phòng dịch này.
"Dù thu nhập vơi đi so với trước nhưng tôi trút được gánh nặng trong lòng. Áp lực lớn nhất trong thời gian tới không còn là chuyện tiền nong mà là nguy cơ nhiễm bệnh", chị nói.
TP HCM có 1,6 triệu công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, chế xuất. Theo thống kê của Liên đoàn lao động TP HCM, đã hơn 1.800 ca nhiễm là công nhân, tính đến ngày 7/7. Riêng ngày 13/7, Công ty Pouyuen với 56.000 công nhân - công ty đông lao động nhất TP HCM - đã phải tạm dừng hoạt động 10 ngày để sắp xếp lại công tác phòng dịch.
Khu chế xuất Tân Thuận, nơi tọa lạc 50 công ty với khoảng 60.000 người lao động cũng là một ổ dịch. Đã có 29 doanh nghiệp tại đây ngưng hoạt động, cùng với 2 doanh nghiệp với hơn 2.000 công nhân đã đóng cửa từ trước.
Trên toàn thành phố, con số công nhân tạm mất việc dự kiến sẽ còn tăng khi nhiều doanh nghiệp sẽ buộc dừng hoạt động do không đủ năng lực tổ chức "3 tại chỗ" kể từ ngày 15/7 theo yêu cầu của TP HCM.
Trước đó, vào cuối tháng 6, theo tờ trình của Sở Lao động, Thương binh và xã hội TP HCM, toàn thành phố có 80.000 người bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (tăng 1.600 người). Gần 24.500 người bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp dự kiến sẽ được hỗ trợ (tăng 23.000 người).
Trong cuộc họp sáng 14/7 với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM Lê Minh Tấn cho biết, sau khi hoàn thành hỗ trợ cho gần 230.000 lao động tự do thì sẽ bắt tay hỗ trợ các đối tượng còn lại, tức bao gồm các công nhân sản xuất, từ ngày 15/7.
Với công nhân hoãn việc, ngừng việc không lương, doanh nghiệp sẽ lên danh sách rồi gửi về cơ quan BHXH thành phố. Cơ quan này rút ngắn thời gian thẩm định chỉ trong một ngày. Với 24.000 lao động chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp chỉ cần gửi giấy yêu cầu đến BHXH để thẩm định.
Dự kiến từ nay đến 23/7, thành phố sẽ bước vào đợt cao điểm chi trả tiền cho người lao động bị ảnh hưởng. Ngoài ngân sách, TP HCM vận động các nguồn khoảng 87 tỷ đồng để hỗ trợ cho người lao động gặp khó.
Tình cảnh của lao động sản xuất tại TP HCM đang trải qua cũng tương tự như tại nhiều nền kinh tế khác khi hứng chịu các làn sóng Covid-19 ập đến.
Chia sẻ với VnExpress, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Giảng viên chính sách công tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, kinh nghiệm các nước khác cho thấy cũng không còn biện pháp khả dĩ nào khác ngoài tiệc tăng các gói hỗ trợ cho lao động và đẩy mạnh tiêm chủng cho lực lượng này.
"Vẫn rất cần thiết để bảo vệ thu nhập và sức khỏe người lao động nhằm duy trì sản xuất. Với sức chịu đựng hiện tại, nền kinh tế Việt Nam không thể dừng lại toàn bộ sản xuất trong thời gian kéo dài vài tháng", ông Du nói.
Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, chìa khóa then chốt vẫn là vaccine cho người lao động. "Không có con đường nào thoát khỏi đợt dịch thứ tư này nếu không có một chương trình tiêm chủng mở rộng tích cực và nhanh chóng để giúp cuộc sống bình thường quay trở lại. Các công ty châu Âu sẵn sàng chi trả các chi phí nhằm bảo vệ nhân viên của họ", Chủ tịch EuroCham Alain Cany khẳng định.
Trong nhận định được chia sẻ sáng 14/7, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn, HSBC Việt Nam cũng đồng thuận rằng, để phục hồi bền vững trở lại đúng hướng, điều quan trọng là phải nhanh chóng ngăn chặn đà lây lan của virus và đẩy nhanh chương trình tiêm chủng toàn quốc.
Theo tiến sĩ Huỳnh Thế Du, trong điều kiện vaccine hiện tại thì chỉ còn cách "liệu cơm gắp mắm" để phân bổ vaccine thế nào cho hợp lý nhằm ổn định tinh thần lao động và duy trì sản xuất.
Viễn Thông - Tất Đạt