50 lãnh đạo tập đoàn lớn của Hàn Quốc dự tọa đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại thủ đô Seoul, sáng 1/7. Đại diện các doanh nghiệp bày tỏ sự quan tâm tới các dự án năng lượng, nhất là điện gió, khí tại Việt Nam.
Phó chủ tịch Tập đoàn Doosan Enerbility Jung Yeonin cho biết sẵn sàng tham gia vào các dự án năng lượng tái tạo nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. "Tôi hy vọng Thủ tướng Phạm Minh Chính và các cơ quan hỗ trợ để công ty có thể đưa sản phẩm turbin vào các dự án. Chúng tôi sẵn sàng chuyển giao và cùng Việt Nam đào tạo nhân lực chuyên môn", ông Jung Yeonin nói.
Tập đoàn GS Energy đầu tư Nhà máy điện khí LNG tại Long An, quy mô 3 tỷ USD. Năm 2021, tập đoàn này được cấp giấy chứng nhận đầu tư và hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vào tháng 9/2023. Chủ tịch GS Energy Huh Yongsoo hy vọng dự án này có thể hoàn thành, bán điện vào cuối năm nay.
"Chúng tôi mong Thủ tướng và các cơ quan Việt Nam cho phép công ty thực hiện cơ chế tài chính toàn cầu và hỗ trợ pháp lý", ông Huh Yongsoo nói.
Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, nguồn nhiệt điện khí phải đầu tư mới trên 30.420 MW, trong đó 75% là khí LNG (22.824 MW).13 dự án dùng LNG được phát triển tới 2030 theo quy hoạch này.
Việt Nam sẽ phát triển khoảng 27.880 MW điện gió (trên đất liền, gần bờ, ngoài khơi) đến 2030, trong đó điện gió ngoài khơi là 6.000 MW.
Cũng theo quy hoạch này, công suất đặt nguồn điện đến 2030 khoảng 150.000 MW và tăng lên 510.000 MW vào 2050 - tức gấp 8 lần hiện nay. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế 6-6,5% một năm, nhu cầu điện cho sản xuất, tiêu dùng của Việt Nam rất cao. "Nhu cầu thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng rất lớn", Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói.
Bộ trưởng Diên cho biết, cơ chế đặc thù phát triển điện khí LNG, điện gió ngoài khơi đang được cơ quan này nghiên cứu để trình Chính phủ, Quốc hội, trong đó đề xuất tỷ lệ bao tiêu tối thiểu sản lượng điện và cơ chế đổi ngang giá khí sang giá điện. Cuối tháng 5, Bộ Công Thương đã ban hành khung giá phát điện khí LNG, với giá trần cao nhất gần 2.600 đồng một kWh, để các nhà đầu tư tham chiếu.
Ngoài các quy hoạch về năng lượng được Chính phủ phê duyệt, Bộ này cũng hoàn thiện cơ chế liên quan tới mua bán điện trực tiếp (DPPA). "Hôm nay là ngày đầu tiên thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp, đây là cơ sở để các doanh nghiệp hợp tác", ông Diên nói.
Theo ông, Chính phủ cũng chỉ đạo phát triển điện mái nhà áp mái theo hướng tự sản tự tiêu, rà soát điều chỉnh cơ chế giá điện theo cơ chế thị trường.
Ngoài năng lượng, các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng quan tâm, muốn rót vốn vào lĩnh vực sửa chữa, bảo dưỡng động cơ máy bay. Ông Jung In Sub, CEO Tập đoàn Hanwha Aerospace cho hay hiện các hãng hàng không Việt Nam phải đưa tàu bay ra nước ngoài để bảo dưỡng động cơ máy bay. "Chúng tôi muốn tham gia vào thị trường này và mong được Chính phủ hỗ trợ", ông nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh đề xuất của doanh nghiệp tham gia bảo trì, bảo dưỡng động cơ máy bay. "Chúng tôi đang xây dựng sân bay Long Thành, sân bay Đà Nẵng, Chu Lai, Nội Bài... nên rất cần bảo trì về máy bay", lãnh đạo Chính phủ nói.
Thủ tướng cũng mong muốn các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc tiếp tục mở rộng đầu tư, hợp tác với Việt Nam, cùng nhau thúc đẩy "những chân trời hợp tác mới", trên cơ sở cách tiếp cận mang tính "toàn cầu, toàn diện, toàn dân". Việc này nhằm hướng tới mục tiêu hai nước đạt kim ngạch thương mại 100 tỷ USD vào năm 2025 và 150 tỷ USD vào 2030.
Năm 2023, thương mại hai nước đạt 76 tỷ USD. Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại thứ 3 của Việt Nam sau Trung Quốc và Mỹ. Nước này cũng là đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam và đối tác đứng thứ 2 về ODA. Hàn Quốc là nước đứng đầu về đầu tư trực tiếp ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký lũy kế 87 tỷ USD.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân thăm chính thức Hàn Quốc từ 30/6 đến 3/7 theo lời mời của Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo và phu nhân. Thủ tướng dự kiến có hơn 30 hoạt động trong chuyến thăm, trong đó hơn một nửa tập trung vào lĩnh vực kinh tế, vốn là điểm sáng trong quan hệ Việt - Hàn.