Là người đầu tiên trong nhóm 23 bị cáo Đưa hối lộ trình bày, Tổng giám đốc Công ty Blue Sky Lê Hồng Sơn nói bản thân chỉ là "nạn nhân" của cơ chế xin cho. Ông Sơn bị đề nghị 11-12 năm tù, cao nhất trong nhóm này. Blue Sky cũng được xác định đưa hối lộ 38,5 tỷ đồng (nhiều nhất trong 19 doanh nghiệp), cũng là công ty tổ chức nhiều chuyến bay nhất (109 trong tổng 372 chuyến được cấp phép).
"VKS đang chiếu theo số tiền vi phạm để ra án, tôi nghĩ phù hợp. Nhưng ở vụ án đặc biệt này, việc doanh nghiệp phải đưa tiền cũng đã được nêu rõ là do bị o ép, gợi ý. Riêng với Blue Sky, những lần đưa tiền đều do bị đòi hỏi, đến hơn 80%", ông Sơn giãy bày.
Theo bị cáo, hành vi đưa hối lộ của mình còn rất đặc biệt, không phải để "bòn tiền" Nhà nước hay làm gì sai trái, mà chỉ để được làm theo chủ trương nhân văn. "Tôi rất băn khoăn, ai càng tích cực khai báo, tự thú số tiền càng cao thì án càng nặng", ông Sơn nói.
Tổng giám đốc Công ty Blue Sky xin công khai con số lợi nhuận từ những chuyến bay, dù trong phiên tòa không ai nêu ra. Theo đó, khi xây dựng giá thành, cứ bán được 80% vé là điểm hòa vốn, nếu bán đủ 100% thì sẽ lãi 20% trước thuế, chưa gồm chi phí khác. Còn nếu không bán được 80% vé doanh nghiệp sẽ lỗ. "Hành vi đưa hối lộ chỉ để xin được cấp phép bay, chứ không đồng nghĩa là đã lãi và thấy tiền luôn được", Sơn nói. Trước đó tự bào chữa, bị cáo cùng luật sư cũng cho biết doanh nghiệp hầu như không có lãi.
"Tại sao dân mình bên kia kêu giá vé cao, vì họ không biết đến các doanh nghiệp để mua vé trực tiếp. Họ phải mua qua nhiều kênh vòng vo, như chị bên đại sứ quán Malaysia nói có lúc giá vé tận 70 triệu đồng từ Kuala Lumpur về Hà Nội, trong khi Blue Sky bán có 30 triệu đồng", ông Sơn trình bày, khẳng định các doanh nghiệp không lợi dụng việc được cấp phép bay để trục lợi.
Ở lời nói cuối cùng, ông Sơn cúi đầu nhận tội, thêm rằng: "Trong vụ án này các doanh nghiệp vừa là bị cáo, vừa là bị hại, nạn nhân của văn hóa phong bì, cơ chế xin cho".
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, cấp phó của Sơn tại Blue Sky, nhận mức án đề nghị cao thứ hai, 10-11 năm tù. Nhắc đến gần 30.000 công dân được công ty hồi hương trên 109 chuyến bay, bà Hằng cũng cho rằng "càng đưa nhiều dân về nước, tội càng nặng" vì phải đưa hối lộ tương ứng. Bị cáo xin HĐXX xem xét cho tất cả lãnh đạo doanh nghiệp đứng trước tòa, trên cả hai phương diện cả công và tội.
Trong vụ án này, ông Sơn và bà Hằng còn "chạy án" thông qua cựu phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn. Cựu trưởng phòng của Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an, bị cáo Hoàng Văn Hưng, bị xác định nhận tiền của họ nhưng là lừa đảo, chiếm đoạt 800.000 USD (18,85 tỷ đồng) với hứa hẹn "giúp đỡ không bị xử lý hình sự". Số tiền này Sơn và Hằng xin được trả lại, song chiều qua bị VKS bác bỏ.
Nói về ông Tuấn, người anh kết nghĩa vì giúp mình "chạy án" mà vướng lao lý, bà Hằng khóc xin lỗi, xin tòa "cộng thời gian tạm giam của bị cáo vào thời gian chấp hành án của anh Tuấn" để ông sớm được trở về. Ông Tuấn bị đề nghị 6-7 năm tù tội Môi giới hối lộ, Hưng 19-20 năm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vợ chồng Nguyễn Tiến Mạnh, Vũ Thùy Dương, Giám đốc và Tổng giám đốc Công ty Lữ Hành Việt, cũng khóc khi nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án. Công ty của họ đứng thứ ba trong số doanh nghiệp đưa hối lộ nhiều nhất - 27 tỷ đồng.
Họ cho rằng miễn cưỡng trở thành "nạn nhân không lối thoát của vấn nạn xin cho" của các bộ ngành. Lữ Hành Việt, như tất cả các bị cáo doanh nghiệp còn lại, đều gặp phải câu chuyện muôn thủa "con gà quả trứng". "Muốn được cấp phép chuyến bay phải được địa phương tiếp nhận. Muốn địa phương tiếp nhận cách ly, phải được cấp phép chuyến bay", ông Mạnh nghẹn lời, xin HĐXX có cái nhìn khoan dung khi áp dụng hình phạt.
Bị cáo Dương xin tòa cho chồng án nhẹ để sớm được trở về, đồng thời cảm ơn VKS đã rất nhân văn khi giảm mức đề nghị cho bà hôm qua (chuyển từ 2-3 năm tù sang án treo).
Bị cáo Trần Thị Mai Xa, 35 tuổi, Giám đốc Công ty Masterlife, hai lần nói "suy sụp" khi nghe mức án 4-5 năm tù VKS đề nghị cho mình.
Bà khóc, chia sẻ về hai con nhỏ, về doanh nghiệp 30 nhân viên mình đang gồng gánh và tương lai của họ trong thời gian tới, khi giám đốc chấp hành án tù. Bị cáo cho biết đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho con nhỏ, bằng việc thông báo "sẽ đi công tác xa vài năm", nhưng thấy rất đau xót khi con đòi đi theo.
Mai Xa trước đó khai "ấm ức khi bị ép đưa tiền", vô tình thành nạn nhân của thông lệ đưa hối lộ ngay từ chuyến bay đầu, sau đó "cứ thế làm theo và không còn đường ngoảnh lại".
'Án tù là sự trả nghiệp hoàn hảo của cuộc đời'
Trong vụ án này, hai cựu lãnh đạo Quảng Nam và Hà Nội bị truy tố Nhận hối lộ, để ra quyết định tiếp nhận công dân về nước trên các chuyến bay của doanh nghiệp, cách ly tại địa phương.
Ông Chử Xuân Dũng, 50 tuổi, cựu phó chủ tịch Hà Nội, cúi mặt xin lỗi Đảng, Nhà nước và đặc biệt là công dân Thủ đô "khi sai phạm đã làm xấu hình ảnh một Hà Nội thanh lịch hào hoa". Ông nói đã nhận thức trong lúc khó khăn, sai lầm của mình đã làm cho dân càng khốn đốn. Trong các phiên chất vấn, cựu phó chủ tịch khai không nhớ đã nhận những tiền của ai, bao nhiêu, chấp nhận con số của VKS.
Ông Dũng bị cáo buộc nhận hơn 2 tỷ đồng của hai doanh nghiệp, đã nộp lại toàn bộ. Ông được VKS đề nghị giảm thêm một năm tù, xuống 3-4 năm.
Còn cựu phó chủ tịch Quảng Nam Trần Văn Tân trong gần 10 phút trình bày có 3 lần dẫn thơ Truyện Kiều, sau mỗi khi nói lời ăn năn. Bị cáo tự nhận "án tù là sự trả nghiệp của cuộc đời", đồng thời nhắc về 22 năm công tác, 5 năm là Phó chủ tịch, đã làm việc ngày đêm, cả lễ tết, để giải quyết công việc cho dân.
"Điều tiếc duy nhất của bị cáo là nhận quà cảm ơn bằng tiền", ông Tân nói, xin lỗi "đất và người Quảng Nam" khi phản bội sự tin yêu của họ. "Trót đã gây việc chông gai/Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng", ông nói.
Ông Tân bị đề nghị 7-8 năm tù do nhận hối lộ 5 tỷ đồng, số tiền ông nói đã được sử dụng vào những việc "rất có ý nghĩa".
HĐXX nghị án kéo dài, sẽ tuyên án lúc 14h ngày 28/7.
>>Mức án đề nghị với 54 bị cáo sau điều chỉnh
VKS xác định từ tháng 4/2020, Chính phủ cho phép thực hiện chuyến bay giải cứu đưa công dân hồi hương, người dân chỉ phải trả tiền vé máy bay, không mất chi phí cách ly. Sau đó là các chuyến bay combo, người dân tự nguyện trả phí toàn bộ.
Doanh nghiệp có nhu cầu tổ chức chuyến bay combo phải xin chủ trương của UBND cấp tỉnh, thành phố - nơi thực hiện cách ly công dân về nước. Hồ sơ sau đó được gửi về Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao để đơn vị này tổng hợp, lấy ý kiến tổ công tác 5 bộ (Ngoại giao, Công an, Y tế, Giao thông Vận tải, Quốc phòng).
Từ đầu 2020 đến khoảng giữa năm 2021, Bộ Ngoại giao đề xuất Chính phủ phê duyệt 372 chuyến bay combo. Để có chi phí "bôi trơn" khi thực hiện các chuyến bay, nhóm 20 doanh nghiệp với hơn 100 pháp nhân phải nâng giá vé, "vẽ" thêm nhiều chi phí phát sinh với khách hàng có nhu cầu về nước giữa đại dịch.
Tổng số tiền đưa nhận hối lộ được xác định 165 tỷ đồng.
Phạm Dự- Thanh Lam