Nội dung này được nêu trong văn bản kiến nghị gửi Chính phủ, Bộ Y tế của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas).
Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), việc dịch đang diễn biến nghiêm trọng tại các khu công nghiệp đang là mối lo lớn, ảnh hưởng tới sự tồn tại của các doanh nghiệp, việc làm, người lao động. Với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như ngành dệt may, mối lo này theo đánh giá của Chủ tịch Vitas là "đáng quan ngại".
Trước diễn biến dịch căng thẳng tại một số khu công nghiệp, nhất là Bắc Giang khiến địa phương này quyết định tạm dừng sản xuất 4 khu công nghiệp (Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám và Song Khê - Nội Hoàng) từ 0h ngày 18/5, ông Giang cho rằng, việc ưu tiên tiêm vaccine cho doanh nghiệp đông lao động và hỗ trợ mua vaccine sẽ "đẩy nhanh quá trình miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm vaccine, giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất".
Có hơn 1,6 vạn lao động, ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch Công ty TNG (Thái Nguyên) cho hay, doanh nghiệp mong muốn và sẵn sàng ngân sách để mua vaccine tiêm cho người lao động, chỉ cần Chính phủ, các bộ, ngành có hỗ trợ về cơ chế, kết nối đơn vị cung ứng...
Ngoài tìm phương án mua vaccine, ông Thời cho hay, TNG đã kích hoạt phương án phòng, chống Covid-19 ở mức cao nhất trên nguyên tắc 5K, giãn cách sản xuất tại từng phân xưởng, nhà máy, để ngăn dịch "tràn" vào nhà máy. Các lao động quê từ Bắc Giang, Bắc Ninh cũng tạm thời được nghỉ làm để phòng dịch.
Doanh nghiệp đang liên hệ với y tế tỉnh Thái Nguyên, phối hợp tổ chức test nhanh theo nhóm cho tất cả người lao động để loại trừ khả năng lây nhiễm và có phương án cách ly ngay với những trường hợp nghi ngờ.
Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp dệt may tại Hưng Yên cũng bày tỏ mong muốn được Chính phủ hỗ trợ phương án mua vaccine qua hình thức xã hội hoá. "Chúng tôi sẵn sàng bỏ tiền mua vaccine tiêm cho người lao động, chỉ cần có cơ chế từ cơ quan quản lý", ông nói. Vị này phân tích, doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết năm, bị dừng sản xuất ngày nào là trễ đơn hàng ngày đó, thiệt hại sẽ vô cùng lớn.
Bốn tháng đầu năm nay, ngành dệt may có nhiều tín hiệu khởi sắc so với cùng kỳ khi một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dần hồi phục và tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký, thực thi.
Chỉ số sản xuất dệt may tăng 7,8% so với cùng kỳ, sản xuất trang phục tăng 9,5%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 11%. Xuất khẩu dệt và may mặc trong 4 tháng đạt hơn 9,5 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ 2020.
Nhưng khả năng đạt đến mức tăng trưởng như năm 2019 - thời điểm trước khi có Covid-19, là mục tiêu cao với các doanh nghiệp may. "Thị trường đang biến động rất nhanh, nhiều chiều ngược nhau, nhất là đơn giá sản phẩm và nguyên liệu", ông Cao Hữu Hiếu - Phó tổng giám đốc Vinatex nói và cho biết, tập đoàn này đã yêu cầu các doanh nghiệp thành viên kích hoạt kịch bản phòng, chống Covid-19 tại các nhà máy, phân xưởng ở mức cao nhất.
Hiện cả nước có gần 400 khu công nghiệp, 30 khu kinh tế cửa khẩu, 20 khu kinh tế ven biển, tổng lao động trực tiếp ở các khu này là gần 4 triệu người. Lượng lao động tại 700 cụm công nghiệp là khoảng 600.000 người.
Anh Minh